Người Rohingya

Ala Uddin, một chiến binh gốc nông dân đã từ bỏ đội quân người Rohingya chiến đấu chống lại quân đội Myanmar khi nhận ra họ chẳng được trang bị gì ngoài dùi cui và dao rựa.

Nhờ truyền thông xã hội và được cho là được nhận từ các nhóm cực đoan ở nước ngoài, Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya (ARSA) dường như đã mạnh lên đáng kể so với hồi năm ngoái, bất chấp xét về tương quan lực lượng thì nhóm phiến quân này xem ra vẫn ở thế vô vọng khi đối đầu với một trong những đội quân lớn nhất châu Á.

“Tôi không muốn các con tôi bị mồ côi,” Ala Uddin chia sẻ với AFP từ một trại tị nạn ở Bangladesh khi giải thích lý do anh từ bỏ phiến quân cách đây 2 tuần.

“Họ chỉ có một ít gậy gộc, dao rựa và hai khẩu súng cho gần 100 chiến binh mới được tuyển mộ. Tôi nhận ra tôi sẽ chết ngay nếu chỉ cầm theo một khúc gỗ ra chiến trường,” anh nói.

Dù được người dân địa phương đặt cho cái tên mĩ miều là Harakah al-Yaqin (Phong trào Niềm tin), ARSA đang mắc kẹt trong cuộc chiến giữa David và Goliath.

Tháng 10 năm ngoái, đội quân này đã bắt đầu cuộc nổi loạn chống lại quân chính phủ bằng những cuộc tập kích chết người tại các tiền đồn biên giới Myanmar ở bang Rakhine, vốn từ lâu là điểm nóng căng thẳng giữa người Hồi giáo và người theo đạo Phật.

Một ngôi Chùa bị phiến quân phá hủy hôm 4/9 ở bang Rakhine (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một ngôi Chùa bị phiến quân phá hủy hôm 4/9 ở bang Rakhine (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khét tiếng với những chiến thuật tiêu thổ chống nổi dậy, quân đội Myanmar – Tatmadaw- đã không hề nương tay khi đáp trả các cuộc nổi loạn đó.

Hơn 200.000 người Rohingya đã chạy tới Bangladesh tính từ tháng 10 năm ngoái, mang theo những câu chuyện chưa được kiểm chứng về các vụ giết người, hiếp dâm và những ngôi làng cháy rụi dưới tay quân đội.

Một làn sóng tị nạn mới lại vừa được khởi xướng sau một loạt các cuộc tập kích vào ban đêm do phiến quân ARSA thực hiện hôm 25/8.

Các nhà phân tích nói rằng những cuộc đột kích này, nhắm vào hơn 30 địa điểm, là một thất bại về mặt chiến thuật. Các phiến quân dường như đã phải chịu thương vong nặng nề và không thu giữ được một số lượng súng ống đáng kể nào.

Nhưng chúng cũng cho thấy rằng lực lượng của ARSA đã mở rộng, có phần là do sự đáp trả mạnh tay của quân đội Myanmar.

Quân đội Myanmar là một trong những đội quân chính quy lớn nhất châu Á (Nguồn: AFP/TTXVN)
Quân đội Myanmar là một trong những đội quân chính quy lớn nhất châu Á (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo ông Anthony Davis, chuyên gia về an ninh trong khu vực của công ty HIS Markit, thì “nhóm vũ trang này đã được cải thiện đáng kể trong cách tác chiến trên khu vực rộng lớn và giờ có thể huy động số lượng binh sĩ lớn hơn rất nhiều.”

“Những cuộc đáp trả mạnh tay của Tatmadaw từ tháng 10 năm ngoái tới nay dường như đã đóng vai trò quan trọng trong việc thổi bùng lên một cuộc nổi dậy được nhiều người hưởng ứng.”

David và Goliath

Những tuyên bố của chính quyền Myanmar trong hai tuần vừa qua cho biết ARSA đã đưa ra tiền tuyến 150 binh sĩ tham gia vài chục cuộc giao tranh.

Nhưng ngay cả khi các phiến quân có quân số lên đến mức đáng phải xem xét một cách nghiêm túc, thì họ vẫn thiếu những vũ khí hiện đại để có thể cầm cự được với một đội quân chính quy.

Theo các báo cáo và hình ảnh do quân đội Myanmar đưa ra, phiến quân chỉ sử dụng những vũ khí thô sơ, như súng hỏa mai, súng và bom tự chế, cũng như dùi cui và kiếm.

Ngược lại, quân đội Myanmar lại là một trong những lực lượng được trang bị tốt nhất ở châu Á.

“Các tin tức giả mạo chỉ là bề nổi của tảng băng thông tin sai lệch được tính toán nhằm tạo ra nhiều vấn đề giữa các cộng đồng khác nhau cũng như với mục đích đẩy mạnh lợi ích của những kẻ khủng bố” – Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi lên tiếng về cuộc khủng hoảng ở bang Rakhine.

Ngân sách quốc phòng của nước này chiếm khoảng 4,5% GDP, nhiều gấp ba lần so với quân đội nhiều nước khác, kể cả ở Thái Lan, quốc gia có chính quyền nằm trong tay quân đội.

Myanmar cho biết, tính từ ngày 25/8, đã có 400 binh sĩ Rohingya bị tiêu diệt, trong khi số binh sĩ tử trận của họ chỉ là 15 – mặc dù quân đội thường hay giảm bớt con số quân nhân tử trận.

Các cuộc phỏng vấn với người tị nạn và các chiến binh đào ngũ ở Bangladesh cho thấy cuộc chiến không cân sức đang gây thiệt hại lớn cho ARSA, với dấu hiệu dễ thấy là sự gia tăng số lượng nam giới đủ tuổi ra trận trong những đợt người tị nạn mới đến những ngày qua.

Năm tháng trước, Ala Uddin đã bí mật rời gia đình ở thị trấn Rathedaung, Myanmar để gia nhập ARSA.

Hàng chục ngàn người Rohingya đã phải rời bỏ nhà cửa đi tị nạn (Nguồn: AFP/TTXVN)
Hàng chục ngàn người Rohingya đã phải rời bỏ nhà cửa đi tị nạn (Nguồn: AFP/TTXVN)

“Chúng tôi đã được huấn luyện để chiến đấu với sự can đảm trong tim”, anh cho biết, và nói thêm rằng anh đã được học cách cài bom và bắn súng.

Nhưng anh sớm nhận ra rằng, những cuộc tấn công họ thực hiện đều là “vô nghĩa” với “những vũ khí cổ xưa”, nên anh quyết định đào ngũ.

– Theo Bộ Di trú và Dân số Myanmar, có khoảng 1,3 triệu người Hồi giáo Rohingya sống ở bang Rakhine, nhưng chỉ có khoảng 40.000 người được công nhận là công dân Myanmar.

– Theo các sử gia, người Hồi giáo Rohingya từ Bangladesh chạy đến Myanmar trong thời Thực dân Anh từ 1826 đến 1948. Người nào muốn được công nhận là công dân Myanmar thì phải có giấy tờ chứng minh được tổ tiên mình đến nước này từ trước năm 1823.

– Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 313.000 người Rohingya đã phải rời bỏ nhà cửa chạy sang nước láng giềng Bangladesh, trong đó nhiều người đã chết trên đường đi (cả đường thủy lẫn đường bộ).

Mohammed Akbar, một người tị nạn 18 tuổi mới đến Bangladesh tuần này, cho biết những người bạn cùng trường của cậu đã mất mạng khi chiến đấu cho ARSA.

“Họ gần như chẳng có thứ vũ khí nào ra hồn. Thế nên tôi đã chọn bỏ trốn,” cậu chia sẻ.

Sự chú ý từ phiến quân quốc tế

Người Rohingya đa phần đều tránh không gây bạo lực tới khi ARSA xuất hiện. Có rất ít thông tin về người điều hành hay tài trợ cho nhóm vũ trang này.

Một báo cáo của nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế International Crisis Group dựa trên những phỏng vấn với các thành viên của nhóm cho biết, những kẻ giật dây cho nhóm phiến quân là một ủy ban lãnh đạo gồm những người Rohingya lưu vong giàu có ở Saudi Arabia.

Họ đã thành lập nhóm này vào năm 2012 sau khi các vụ bạo động chống Hồi giáo quét qua Rakhine.

Gương mặt nổi bật nhất của nhóm vũ trang này là chỉ huy trên bộ Ata Ullah.

Ata Ullah trong một video được tung lên mạng internet (Nguồn: Reuters)
Ata Ullah trong một video được tung lên mạng internet (Nguồn: Reuters)

Người này được cho là đã chào đời trong một gia đình người Rohingya ở Karachi, Pakistan trước khi chuyển đến Saudi Arabia. Giả thuyết này được củng cố bởi khả năng nói tiếng Rohingya và tiếng Arab lưu loát của Ullah trong các video của ARSA.

Trong những tháng gần đây, ARSA đã đẩy mạnh sự hiện diện trên mạng xã hội, bao gồm một tài khoản Twitter (@ARSA_Official) thường là nơi đầu tiên đăng các phát biểu của ARSA hay đường dẫn tới video cho người theo dõi.

Ata Ullah đã bắt đầu bài phát biểu của mình với lời chào hỏi kiểu Hồi giáo. Tuy nhiên ARSA chưa công khai thề trung thành với bất kỳ nhóm vũ trang lớn nào.

Ata Ullah đã bắt đầu bài phát biểu của mình với lời chào hỏi kiểu Hồi giáo. Tuy nhiên ARSA chưa công khai thề trung thành với bất kỳ nhóm vũ trang lớn nào.

Thay vào đó, ARSA xây dựng hình ảnh như là một trong nhiều lực lượng nổi dậy dân tộc ở Myanmar, chiến đấu chống lại quân đội trung ương.

Trong một phát biểu hôm thứ Tư vừa qua, ARSA đã buộc tội quân đội là đã “gây ra những tội ác ghê tởm” với người Rohingya và chỉ trích việc Myanmar từ chối cấp thị thực cho các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc.

“Đã có nỗ lực tiếp cận với cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn, một nỗ lực nhằm nhấn mạnh thực tế rằng họ không phải là chiến binh thánh chiến, mà là một phong trào dân tộc chủ nghĩa có lý tưởng,” Davis cho biết.

Trong các cuộc phỏng vấn, Ata Ullah đã phủ nhận danh xưng khủng bố và nói rằng tổ chức của ông không nhắm vào dân thường. Tuy nhiên phía Myanmar lại nói rằng ARSA đã sát hại thường dân theo đạo Phật.

Các nhà phân tích cũng cho rằng họ đã gây ra một làn sóng các vụ ám sát những cộng tác viên của nhà nước tại các ngôi làng hẻo lánh ở Rakhine trong những tháng gần đây.

Quân đội Myanmar tố các chiến binh Rohingya đã giết hại các tín đồ đạo Phật (Nguồn: AFP/TTXVN)
Quân đội Myanmar tố các chiến binh Rohingya đã giết hại các tín đồ đạo Phật (Nguồn: AFP/TTXVN)

Zachary Abuza, một chuyên gia về các nhóm dân quân Đông Nam Á nhận định ARSA đã thu hút sự chú ý của phiến quân quốc tế. “Bất kể họ đang tích cực tranh thủ sự hỗ trợ này hoặc muốn có nó, thì chuyện đó cũng rất có khả năng xảy ra,” ông nói.

Theo Abuza, cảnh sát Indonesia đã ngăn chặn được hai kế hoạch cho nổ đại sứ quán Myanmar ở Jakarta và Malaysia, đồng thời bắt giữ các phiến quân đang tìm cách đến Rakhine.

Sự đáp trả bằng chiến thuật tiêu thổ của quân đội Myanmar cũng đã tạo ra một số lượng lớn những người Rohingya tị nạn giận dữ và sẵn sàng được tuyển mộ đi chiến đấu. “Chuyện này giống như xem cảnh quay chậm của một đoàn tàu trật bánh vậy,” Abuza nhận định. “Rất dễ đoán.”