Miền núi, trung du phía Bắc khẩn trương ứng phó với mưa lũ

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ đêm 30/6, ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa to đến rất to.
Miền núi, trung du phía Bắc khẩn trương ứng phó với mưa lũ ảnh 1(Ảnh minh họa: Duy Hưng/TTXVN)

Ngày 1/7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai-Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 10 về chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với diễn biến của mưa lũ

Theo Công điện, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ và Thái Nguyên; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Công an, Y tế, Công Thương chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với diễn biến của mưa lũ.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ đêm 30/6, ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa to đến rất to. Đặc biệt tại huyện Quảng Hà, tỉnh Quảng Ninh đã có mưa rất to với lượng mưa đạt 287 mm.

Dự báo, từ ngày 1 đến 2/7, ở các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; từ đêm ngày 2 đến 5/7, mưa lớn có xu hướng gia tăng; riêng vùng núi và trung du có mưa, mưa to đến rất to, có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất, nhất là tại các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai-Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các địa phương nêu trên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cảnh báo thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp.

Tổ chức kiểm soát, hướng dẫn người qua lại tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục