Mở chương trình đào tạo xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp

Với doanh nghiệp nhỏ và vừa đôi khi nghĩ vấn đề nhãn hiệu đơn giản, vì nghĩ đưa sản phẩm ra được bên ngoài đã khó khăn rồi, còn để đi theo nó, bảo vệ nó lại là càng khó khăn hơn.
Mở chương trình đào tạo xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không chú trọng đến vấn đề xây dựng thương hiệu, thay vào đó họ chỉ quan tâm đến doanh số bán hàng. Tuy vậy, cũng có nhiều doanh nghiệp quyết định theo đuổi xây dựng thương hiệu riêng cho mình, song họ dễ dàng vấp phải một số khó khăn thường thấy trong lựa chọn chiến lược xây dựng thương hiệu và quản lý quá trình xây dựng thương hiệu phù hợp.

Để giải quyết những thách thức này, trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã có kế hoạch tổ chức các chương trình đào tạo dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa qua đó, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị thương hiệu.


[Mất thương hiệu: Phần nhiều do kinh doanh kiểu chụp giật, ngắn hạn]

- Thưa ông, ông có thể cho biết những hạn chế và thách thức trong việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp hiện nay, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay?

Ông Đỗ Kim Lang: Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi nói về xây dựng chiến lược, không chỉ riêng chiến lược thương hiệu mà cả chiến lược kinh doanh và truyền thông nói chung luôn luôn là thách thức, không phải doanh nghiệp nhỏ và vừa nào cũng nhận thức, hiểu biết đầy đủ cũng như nguồn lực để làm việc này.

Với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp và đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm đại đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam, chương trình Thương hiệu quốc gia đã có kế hoạch sẽ tổ chức các chương trình đào tạo dành riêng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như chúng ta đã biết, ​với định hướng từ phía Chính phủ ​theo hướng kiến tạo cho doanh nghiệp, các bộ ngành cũng đưa ra nhiều chương trình trong kế hoạch ​nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khi đề cập đến vấn đề chiến lược thương hiệu thì ​phía Cục Xúc tiến thương mại nhận thấy đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ngay vấn đề nhỏ như sản phẩm, kinh doanh đã có nhiều thách thức.

Cần lưu ý, vấn đề thương hiệu nếu như được đề cập một cách đầy đủ bài bản, đúng hướng sẽ tạo ra được năng lực mới cho doanh nghiệp, đặc biệt là năng lực cạnh tranh mà doanh nghiệp nhỏ và vừa chúng ta đang rất cần.

Tại sao nói về vấn đề doanh nghiệp mà không quay lại chủ đề cũ là vấn đề sản phẩm, vì chúng ta thấy đối với các doanh nghiệp vấn đề sản phẩm, hay hàng hóa dịch vụ mới chỉ là bắt đầu hay nói cách khác mới chỉ là vấn đề khởi nguồn.

Bất kỳ một doanh nghiệp nào khi làm thương hiệu cũng đều bắt đầu từ sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, cái này không thể tách ra khỏi trong chiến lược thương hiệu của doanh nghiệp.

Còn đề cập đến vấn đề thương hiệu doanh nghiệp, chúng ta thấy nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ tập trung vào sản phẩm thì nguồn lực của doanh nghiệp chắc chắn sẽ không đáp ứng được, do vậy khi làm thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cũng đồng thời làm thương hiệu cho cả sản phẩm, bắt nguồn từ sản phẩm nhưng đồng thời cũng dùng sản phẩm để làm cho doanh nghiệp.

Đây là cách làm hiệu quả mà theo tôi nó sẽ tổng hòa các điều kiện doanh nghiệp đang cần mà đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gắn trực tiếp đến hệ thống nhận diện của doanh nghiệp đó, cho nên nói đến sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa thì có thể coi như là làm thương hiệu cho sản phẩm, đồng thời làm thương hiệu cho doanh nghiệp.

Chúng tôi đặt hướng là kết hợp những gì trước đây đã làm về thương hiệu sản phẩm và bây giờ sẽ chuyển sang dùng kinh nghiệm, kiến thức và phương pháp đó để áp dụng cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa ​với một nội dung mới là làm thương hiệu cho doanh nghiệp.

Với cách định hướng lại như vậy, theo tôi cách làm này vừa kế thừa cách làm trước đây thành công đồng thời cũng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận dễ hơn, hơn nữa cũng tạo cho doanh nghiệp ý thức hơn về khía cạnh xây dựng năng lực cạnh tranh của mình dựa trên nền tàng của thương hiệu.

Mở chương trình đào tạo xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp ảnh 2Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

- Nhiều doanh nghiệp còn mơ hồ giữa việc xây dựng thương hiệu và việc làm nhãn hiệu hàng hóa, vậy theo ông cần hiểu việc này thế nào cho đúng?

Ông Đỗ Kim Lang: Nói về nhãn hiệu hàng hóa thì đây là vấn đề liên quan đến pháp lý nhiều hơn, cụ thể là về sở hữu trí tuệ. Cần hiểu nhãn hiệu chỉ là một phần của thương hiệu, thể hiện bằng vật chất ra bên ngoài để khách hàng nhận diện mà thôi.

Khi chương trình thương hiệu quốc gia bắt đầu từ năm 2003 đến nay đã góp phần xây dựng nhận thức chung của doanh nghiệp về vấn đề thương hiệu trong đó là việc tạo ra sự khác biệt, nhận biết, nhận diện hay là các công cụ để tạo sự nhận diện cho các doanh nghiệp, đối với sản phẩm của mình đã được đề cao rất nhiều và nó cũng hình thành ra một thị trường với các các công ty tư vấn về xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, thiết kế.

Liên quan đến vấn đề nhãn hiệu, có ý nghĩa pháp lý trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ là chủ yếu, vì hiện nay tình hình hàng giả, hàng nhái, sử dụng lẫn lộn nhãn hiệu của nhau trong quá trình thâm nhập thị trường hay hành vi cạnh tranh không lành mạnh rất phổ biến, vì thế việc phải bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu của chúng ta thì phía doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý.

Với doanh nghiệp nhỏ và vừa đôi khi nghĩ vấn đề nhãn hiệu đơn giản, vì nghĩ đưa sản phẩm ra được bên ngoài đã khó khăn rồi, còn để đi theo nó, bảo vệ nó lại là càng khó khăn hơn.

Bản thân các doanh nghiệp lớn khi triển khai các đợt truyền thông để bảo vệ cho thương hiệu cũng rất tốn kém, nhưng với qui mô và cấp độ khác nhau thì chúng ta có cách thức đề bảo vệ nhãn hiệu khác nhau, nếu không có nhiều tiền để sử dụng truyền thông thì có thể thông qua các cơ quan công quyền như Cục Sở hữu trí tuệ hay công ty luật để bảo vệ.

Mở chương trình đào tạo xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp ảnh 3Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Vậy đã có bài học nhãn tiền nào về việc bảo vệ thương hiệu chưa, thưa ông?

Ông Đỗ Kim Lang: Hiện nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực này cũng đã gần như hoàn thiện, chế tài xử lý cũng tương đối tốt.

Trước đây chúng ta hay mắc phải những chuyện đó do chưa hội nhập sâu với thế giới nên những chập chững, bỡ ngỡ ban đầu vẫn còn, chúng ta chưa hiểu hệ thống luật lệ quốc tế nên bị người ta "dùng nhầm", hoặc cố tình, vô ý tùy hoàn cảnh và rất phổ biến.

Tôi thấy hiện tượng đó gần như không còn nhiều vấn đề đó nữa, nếu có chủ yếu là những cuộc cạnh tranh không lành mạnh lắm do các đối thủ thông qua hoạt động gián tiếp để ảnh hưởng đến thương hiệu chứ gần như không còn tình trạng vi phạm, hay sử dụng lại về thương hiệu hay nhãn hiệu.

- Ông đánh giá thế nào về các vụ mua bán, sáp nhập gần đây ở Việt Nam?

Ông Đỗ Kim Lang: Theo tôi, mua bán sáp nhập là phương thức đầu tư, xâm nhập thị trường dùng để nắm quyền sở hữu thương hiệu doanh nghiệp, đôi khi là vấn đề thị trường nhiều hơn là nắm về thương hiệu hoặc là mục đích thâu tóm, triệt tiêu đối thủ và có nhiều mục đích trong đó.

Nói một cách khác, việc bán lại thương hiệu là chuyện bắt buộc không thể tránh khỏi vì đã mua doanh nghiệp thì thương hiệu phải về chủ mới.

Tùy thuộc sự đánh giá của ông chủ mới đó, có cần thiết hay không giữ lại thương hiệu đó mà người ta có thể xóa đi hay giữ lại. Việc này tùy thuộc vào hai bên và vấn đề này hoàn toàn là vấn đề thị trường và không có gì xấu cả, vì hoàn toàn để thị trường điều tiết, ai là người chủ của doanh nghiệp mới trong thương vụ mua bán sáp nhập sẽ quyết định giữ hay không giữ thương hiệu này.

- Xin cảm ơn ông./.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nói về xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục