Cao điểm trấn áp tội phạm buôn người qua biên giới Việt-Lào-Campuchia

Mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm buôn người trên các tuyến biên giới

Cảnh sát Việt Nam, Lào, Campuchia tổ chức Hội nghị triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia năm 2015.
Mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm buôn người trên các tuyến biên giới ảnh 1Đối tượng đưa người qua biên giới bị bắt giữ. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Ngày 2/7, tại Cần Thơ, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Hoàng gia (Bộ Nội vụ Campuchia), Tổng cục Cảnh sát (Bộ An ninh Lào) tổ chức Hội nghị triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia năm 2015.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết thời gian qua, tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới gia tăng và diễn biến phức tạp với tính chất ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi xảo quyệt. Bên cạnh đó, bọn tội phạm đã hình thành nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết năm 2014, lực lượng Công an, Biên phòng Việt Nam đã điều tra khám phá 334 vụ, bắt 616 đối tượng mua bán người.

Sáu tháng đầu năm 2015, lực lượng Công an, Biên phòng Việt Nam đã điều tra khám phá 136 vụ, bắt 227 đối tượng, giải cứu và tiếp nhận 303 nạn nhân bị mua bán người.

Liên quan đến tuyến biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia, lực lượng chức năng đã giải cứu 110 nạn nhân bị mua bán. Hàng năm, số vụ mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia chiếm khoảng 6% so với tổng số vụ án mua bán người được phát hiện trong toàn quốc.

Tại địa bàn biên giới Việt Nam-Lào, nạn nhân của các vụ mua bán người chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Trung của Việt Nam như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, bị đưa sang Lào làm mại dâm hoặc lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ; bị bóc lột tại các công trường, khu công nghiệp, khai thác khoáng sản.

Các băng nhóm, đường dây tội phạm mua bán người có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước với các đối tượng tại Lào, tạo thành đường dây xuyên quốc gia, quốc tế.

Trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, lợi dụng địa bàn nhiều kênh rạch, đường tiểu ngạch, bọn tội phạm mua bán người đã lừa nhiều phụ nữ, trẻ em sang Campuchia bán cho các chủ chứa, đưa vào hoạt động mại dâm tại casino, trường gà, cơ sở massage, nhà nghỉ...

Trước tình hình tội phạm mua bán người từ Việt Nam sang Lào và Campuchia diễn biến phức tạp, tại Hội nghị, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đề xuất đoàn đại biểu của Bộ An ninh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia bàn bạc, thống nhất một số nội dung hợp tác trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người trong thời gian tới.

Cụ thể, các bên tiếp tục triển khai có hiệu quả Hiệp định song phương giữa Chính phủ Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia về tăng cường hợp tác phòng, chống buôn bán người.

Các bên tăng cường phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, thiết lập đường dây nóng, sỹ quan liên lạc giữa các bên; phối hợp xác minh, điều tra các đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người qua biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia trong truy bắt các đối tượng phạm tội, giải cứu và hồi hương các nạn nhân bị mua bán. Bên cạnh đó, các bên thống nhất mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người từ 1/7 đến ngày 30/9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục