Mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học tại di tích Thành Nhà Hồ

Khu vực Hào thành phía Bắc Thành Nhà Hồ sẽ được khai quật mở rộng thêm 1.000m2 nhằm xác định quy mô, cấu trúc để tiến hành bảo tồn hệ thủy cổ và tôn tạo cảnh quan di sản thế giới này.
Mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học tại di tích Thành Nhà Hồ ảnh 1Cổng phía Bắc Thành Nhà Hồ. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trung tâm Bảo tồn di sản Thế giới Thành Nhà Hồ cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với Viện Khảo cổ học mở rộng diện tích khai quật khảo cổ tại khu vực Hào thành phía Bắc của di tích Thành Nhà Hồ thuộc xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Diện tích khai quật mở rộng là 1.000m2, nâng tổng diện tích khai quật Hào thành phía Bắc lên 3.000m2.

Mục đích của việc mở rộng diện tích khai quật nhằm xác định quy mô, cấu trúc của Hào thành phía Bắc, góp phần vào việc nghiên cứu để tiến hành bảo tồn hệ thủy cổ và tôn tạo cảnh quan phục vụ phát triển du lịch tại di sản thế giới Thành Nhà Hồ.

Hào Thành là hạng mục công trình nằm trong chiến lược khai quật tổng thể Thành Nhà Hồ giai đoạn 2013-2020.

Sau nhiều lần tổ chức các cuộc khảo sát và tiến hành khai quật, nhiều hiện vật có giá trị đã được tìm thấy trong khu vực Thành Nhà Hồ.

Tuy nhiên, những dấu tích tại đây cho thấy vẫn còn rất nhiều hiện vật đang nằm dưới lòng đất, chính vì thế việc tiến hành khai quật khảo cổ sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm tìm ra lời giải chính xác nhất cho di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Trước đó, trong năm 2015, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã khai quật khảo cổ học một phần khu vực Hào thành phía Nam với diện tích trên 2.000m2. Cuộc khai quật đã xác định được quy mô, cấu trúc và chức năng của Hào thành phía Nam.

Ngoài chức năng phòng thủ, Hào thành Thành nhà Hồ còn là một công xưởng chế tác, tinh chế đá khi xây dựng Hoàng thành.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy các di vật bổ sung vào việc nghiên cứu và trưng bày tại di tích như các khối đá, gạch có chữ, gốm thời Trần-Hồ, gốm Lê sơ và đặc biệt là đục sắt, kiếm sắt… là các di vật rất hiếm khi gặp trong các di tích khảo cổ học lịch sử Việt Nam./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục