Mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng nông sản

Nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường là hướng phát triển nhằm tháo gỡ những khó khăn, rào cản xuất khẩu đối với mặt hàng nông sản Việt Nam, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Trong thời gian tới tình hình xuất khẩu nông sản sẽ có khả quan hơn, trong đó có những mặt hàng quan trọng như gạo, thủy sản, lâm sản. Tuy nhiên, có những mặt hàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn và phải có những biện pháp quyết liệt như đối với cao su, thanh long, một số loại rau quả và những mặt hàng tươi sống.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Cao Đức Phát tại cuộc Họp báo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014, ngày 27/6, tại Hà Nội.

Nhìn nhận về tình hình sáu tháng đầu năm, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng thừa nhận thị trường nông nghiệp đã gặp phải một số khó khăn đột xuất, xuất khẩu có sự giảm sút và còn có thể ảnh hưởng trong thời gian tới.

“Sự tác động này, một phần do có những căng thẳng trên biển Đông nên việc trao đổi một số loại nông sản hàng hóa giữa hai nước Việt-Trung có biến động, trong khi, nhiều mặt hàng nông sản lại phụ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống Trung Quốc như lúa gạo, cao su chiếm khoảng 40% sản lượng xuất khẩu hai mặt hàng này,” Bộ Trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương và các ngành liên quan, tích cực chỉ đạo theo dõi sát sao diễn biến tình hình, đề xuất giải pháp tháo gỡ như việc đẩy mạnh hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường công tác thông tin, quảng bá nông, lâm, thủy sản đến người tiêu dùng đồng thời tổ chức làm việc với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan chức năng của các quốc gia nhập khẩu để ký kết thỏa thuận hợp tác, gỡ bỏ rào cản, tạo thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường.

Mở rộng thị trường, tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng nông sản ảnh 1Mở rộng thị trường để phát triển ngành nông nghiệp bền vững. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp cũng đã làm việc với các hiệp hội, các doanh nghiệp để đẩy manh xuất khẩu đồng thời thông tin cho các địa phương, nhân dân về tình hình thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp về quy mô sản xuất.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cũng nhận định, dù kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng nhưng đối với thị trường Trung Quốc cũng có sự suy giảm nhiều trong tháng 5 và 6. Khả năng thị trường này đang đứng trước nguy cơ không ổn định vì nông sản xuất nhập chủ yếu là qua đường tiểu ngạch.

Để mở rộng thị trường, Bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm trong toàn ngành nông nghiệp, với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành là khâu đột phá, cố gắng duy trì sự tăng trưởng GDP cả năm 2014 theo mục tiêu được giao là 3%.

Mặt khác, ngành cũng chú trọng nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý vật tư nông nghiệp nhằm xây dựng thương hiệu và khẳng định được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Hiện ngành nông nghiệp đang triển khai quyết liệt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nhằm phục hồi tốc độ tăng trưởng toàn ngành. Đến nay, Bộ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu 6 lĩnh vực gồm: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông lâm thủy sản.

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2014, Bộ sẽ chỉ đạo chuyển đổi khoảng 80.000 – 90.000 ha đất hiệu quả thấp sang các cây trồng hàng năm như: ngô, đậu tương, vừng, lạc và rau màu khác. Bộ đã lựa chọn cây ngô làm cây ưu tiên để tập trung phát triển sản xuất nhằm tạo ra chuyển biến đồng thời làm rõ về quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, kết nối về thị trường để nông dân yên tâm sản xuất và tạo giá trị cao tăng thu nhập cho người nông dân./.

Theo ước tính của Tổng Cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2014, tốc độ GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,96%; tăng 0,72% so với cùng kỳ năm 2013 (6 tháng đầu năm 2013 là 2,14%).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục