Mỗi đại biểu Quốc hội phải lắng nghe hơi thở của cuộc sống

"Mỗi đại biểu Quốc hội phải lắng nghe hơi thở của cuộc sống"

Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng mỗi đại biểu phải lắng nghe hơi thở của cuộc sống, phản ánh với Quốc hội để được xem xét và có biện pháp xử lý phù hợp.
"Mỗi đại biểu Quốc hội phải lắng nghe hơi thở của cuộc sống" ảnh 1Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Kỳ họp thứ 1, Quốc hội Khóa XIV đánh dấu một giai đoạn nhiệm kỳ mới với nhiều kỳ vọng vào một sự thay đổi để Quốc hội thực sự là Quốc hội đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và lòng tự hào của dân tộc.

Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng mỗi đại biểu phải lắng nghe hơi thở của cuộc sống, phản ánh với Quốc hội để được xem xét và có biện pháp xử lý phù hợp.

- Thưa Đại biểu, Quốc hội Khóa XIV đã bắt đầu một nhiệm kỳ mới với quyết tâm mạnh mẽ. Ông kỳ vọng gì về Quốc hội kỳ này?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Bản thân mỗi đại biểu đều rất phấn khởi, quyết tâm để làm sao bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV thật tốt. Những suy nghĩ, quyết tâm đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể để bản thân các đại biểu Quốc hội góp sức, xây dựng một Quốc hội đoàn kết, sáng tạo và hành động theo thông điệp mà Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra.

Tôi cho rằng, bản thân mỗi một đại biểu thể hiện được quyết tâm, trách nhiệm của mình thì sẽ tạo ra một Quốc hội hành động vì lợi ích của người dân. Qua đó, khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội là cơ quan lập pháp trong thời kỳ phát triển của đất nước.

- Từng là đại biểu trải qua hai nhiệm kỳ của Quốc hội, kinh nghiệm có từ nhiệm kỳ trước sẽ giúp được gì với ông trong nhiệm kỳ Khóa XIV này?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Trong nhiệm kỳ Khóa XIII, bên cạnh mặt tích cực, thành công thì Quốc hội cũng thể hiện những tồn tại, hạn chế, khiếm khuyết. Các tồn tại này là có phần trách nhiệm của mỗi một bản thân đại biểu Quốc hội.

Đúc rút kinh nghiệm cũng như nhìn nhận rõ các tồn tại, hạn chế, bản thân tôi cũng như nhiều đại biểu Quốc hội sẽ thể hiện sự cầu thị, tiếp thu ý kiến của người dân. Chúng tôi phải luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân, nghe ý kiến góp ý, kiến nghị để từ đó có suy nghĩ, xem xét, cùng các đại biểu khác thảo luận, tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho mỗi một quyết định của Quốc hội để sát với thực tiễn cuộc sống, phù hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

- Một trong những nội dung của kỳ họp lần này là Quốc hội thảo luận dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2017. Đại biểu có suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII đã rất thành công trong việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Luật, Pháp lệnh. Đó là Hiến pháp 2013 và một khối lượng lớn các đạo luật mà Quốc hội đã xem xét thông qua. Đây là thành công không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại và hạn chế trong quá trình xây dựng luật. Có đạo luật khi Quốc hội ban hành rồi thì phải dừng thi hành vì phát hiện ra khiếm khuyết trong quá trình xây dựng. Đó là vấn đề đặt ra cho Quốc hội và bản thân các đại biểu Quốc hội khi bắt đầu thảo luận cho chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh 2017.

Tôi cho rằng trong quá trình xây dựng Luật, Pháp lệnh phải tiên lượng hết các yếu tố khách quan đang đặt ra. Đó là thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi Luật điều chỉnh về vấn đề gì, quá trình soạn thảo dự thảo luật để Quốc hội xem xét thông qua phải tuân thủ theo quy trình chặt chẽ nào và đặc biệt phải phát huy vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, cơ quan thẩm tra dự án Luật.

Các quy trình này phải được triển khai một cách chặt chẽ, thận trọng.

Cuối cùng, bản thân mỗi đại biểu phải phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong việc tham gia, góp ý, phát hiện ra các vấn đề mà khi tiếp xúc cử tri đã được góp ý. Ngoài ra, đại biểu cần nhận thức rõ yêu cầu cuộc sống đang đặt ra đối với việc xây dựng Luật ra sao để có ý kiến phát biểu thảo luận cùng các đại biểu khác để khi bấm nút thông qua một dự án Luật phải bảo đảm tính khả thi.

- Trong kỳ họp, các đại biểu đóng góp ý kiến thế nào về các vấn đề nóng mà xã hội đang quan tâm, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Thái Học: Tôi thấy rằng bản thân mỗi đại biểu Quốc hội phải lắng nghe hơi thở cuộc sống. Mỗi khi cuộc sống đặt ra những vụ việc bức xúc, nổi cộm, bản thân đại biểu phải tiếp thu tinh thần, phản ánh bức xúc đó dưới góc nhìn của mình để thông tin đến Quốc hội, để Quốc hội xem xét, đánh giá và có những biện pháp xử lý phù hợp.

- Xin cảm ơn đại biểu!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục