Môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy: Còn nhiều việc phải làm

Tại lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy, bên cạnh những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã được xử lý, một số điểm gây ô nhiễm mới đã xuất hiện.
Môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy: Còn nhiều việc phải làm ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

Ngày 28/11, Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy đã tổ chức hội nghị lần thứ 6 để tổng kết hoạt động trong giai đoạn 2013-2014.

Tại hội nghị, nhiều kết quả đã được ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hai con sông này cùng các đơn vị liên quan vẫn còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

Trong hai năm qua, quá trình thực hiện Đề án vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Nhiều mục tiêu theo lộ trình Đề án chưa đạt được theo yêu cầu.

Việc vi phạm pháp luật Bảo vệ môi trường trên lưu vực hai con sông vẫn diễn biến phức tạp. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động vi phạm với phương thức ngày càng tinh vi.

Nhiều chủ doanh nghiệp bất chấp quy định về môi trường vì mục đích kinh tế, trong khi một bộ phận lãnh đạo các cấp chính quyền chưa có ý thức, trách nhiệm phù hợp trong bảo vệ môi trường.

Bên cạnh những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã được xử lý, lại xuất hiện một số điểm gây ô nhiễm mới.

Trong tổng số 45 cơ sở gây ô nhiêm nghiêm trọng tại Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình và Hà Nội cần phải xử lý theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện mới có 5 cơ sở đang thực hiện biện pháp xử lý triệt để, 40 cơ sở còn lại chưa tiến hành biện pháp xử lý đáng kể nào.

Việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các tỉnh, thành phố, các đơn vị liên quan còn hạn chế. Trong khi đó, năng lực của các cơ quan quản lý về môi trường tại 5 tỉnh, thành tuy đã được tăng cường rất nhiều trong thời gian qua song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là nguồn nhân lực cấp huyện và cấp xã.

Lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm hiện vẫn chưa có thẩm quyền xử lý, xử phạt trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước nên chưa đạt hiệu quả răn đe, phòng ngừa. Công tác thống kê nguồn thải cũng chưa được thực hiện đầy đủ tại một số địa phương.

Theo Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy, kết quả khảo sát, phân tích nước tại hai con sông trong năm 2014 cho thấy tại sông Nhuệ, sau khi tiếp nhận nước từ sông Tô Lịch, có hàm lượng COD, BOD5, NH4 + -N … vượt mức cho phép hoặc ở mức ô nhiễm nặng theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Sông Đáy đang bị ô nhiễm cục bộ tại một số điểm tiếp nhận nước thải của dân cư sinh sống dọc hai bờ sông, không đáp ứng được tiêu chuẩn.

Những năm qua, vào mùa mưa, nhất là sau những trận mưa lớn, nước từ đầu nguồn hai con sông chảy về hạ lưu thường xuyên gây ô nhiễm nặng, đã nhiều lần xảy ra có hiện tượng cá chết hàng loạt tại sông Nhuệ đoạn hạ lưu chảy qua Hà Nam, cùng với đó là hiện tượng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.

Lưu vực hai con sông Sông Nhuệ và Đáy liên quan đến địa phận của 5 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Trong những năm qua, song song với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực hai con sông này cũng đặt ra nhiều thách thức.

Trong 2 năm qua, Ủy ban Bảo vệ Môi trường sông Nhuệ-sông Đáy đã tiến hành kiểm tra thực tế tại nhiều địa điểm là nguồn thải lớn trên lưu vực, như Cụm công nghiệp Ngọc Hồi (Hà Nội), Công ty Cổ phần bất động sản An Thịnh (Hòa Bình), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình, Khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam), Khu công nghiệp Hòa Xá (Nam Định).

Qua kiểm tra, Ủy ban Bảo vệ Môi trường sông Nhuệ-sông Đáy đã nắm được các vấn đề về môi trường cụ thể đối với từng khu vực, từng địa phương; đồng thời có biện pháp xử lý triệt để đối với 38/43 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, còn 5 cơ sở vẫn đang trong giai đoạn triển khai xử lý.

Tỉnh Ninh Bình và thành phố Hà Nội đã hoàn thành công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, tỉnh Nam Định hiện còn 2/6 cơ sở, Hà Nam còn 2/4, Hòa Bình còn 1/2 cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Các tỉnh trong khu vực đã triển khai hơn 100 dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, bảo vệ môi trường lưu vực hai con sông, như dự án trồng rừng đầu nguồn sông Nhuệ-sông Đáy tại tỉnh Hòa Bình; mô hình xử lý môi trường làng nghề của Hà Nam, Ninh Bình và Hà Nội; đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế cho các bệnh viện và xây dựng các nhà máy xử lý rác. Hệ thống quan trắc, phân tích và cơ sở thông tin dữ liệu được hoàn thiện.

Công tác điều tra, thống kê nguồn thải đang được triển khai đồng bộ trên hầu hết các tỉnh thành trong lưu vực. Kinh phí đầu tư cho bảo vệ môi trường tại Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình đạt trên 1% ngân sách, đồng thời các địa phương này còn làm tốt việc xã hội hóa công tác đầu tư hạ tầng cơ sở cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục