Mông Cổ kỷ niệm 800 năm ngày sinh Hoàng đế Hốt Tất Liệt

Mông Cổ tổ chức kỷ niệm 800 năm ngày sinh Hốt Tất Liệt (1215-1294), vị Hoàng đế sáng lập ra nhà Nguyên, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn.
Mông Cổ kỷ niệm 800 năm ngày sinh Hoàng đế Hốt Tất Liệt ảnh 1Tượng đài Kublai Khan tại Nhà quốc hội Mông Cổ tại Ulan Bator (Nguồn: AFP)

Mông Cổ ngày 22/9 đã bắt đầu tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 800 ngày sinh của Hoàng đế Kubilai Khan (Hốt Tất Liệt), vị Vua sáng lập ra Vương triều Nguyên ở Trung Hoa, cháu nội của Gensis Khan (Thành Cát Tư Hãn).

Nhiều sự kiện sẽ được tổ chức trên toàn quốc, kéo dài tới cả tuần lễ, với sự tham gia của các vũ công áo váy xúng xính và các nhạc công biểu diễn nhạc truyền thống, nhằm tôn vinh nhà lãnh đạo sống trong thế kỷ 13 này.

Các lễ tưởng niệm có ý nghĩa “tôn vinh và đánh giá sự đóng góp của Hốt Tất Liệt với lịch sử Mông Cổ và thế giới”, quan chức Mông Cổ S. Bayartsogt tuyên bố - “Đã có thời gian chúng ta phải bác bỏ lịch sử của chính mình. Tuy nhiên con đường dân chủ mới mà Mông Cổ lựa chọn đã cho phép nhân dân Mông Cổ khôi phục và hiểu về lịch sử của chính mình.”

 Đế chế Mông Cổ đã đạt sự phát triển cực thịnh sau khi Hốt Tất Liệt chinh phục Trung Quốc và thiết lập triều Nguyên vào năm 1271. Quân đội Mông Cổ nổi tiếng vì có chiến lược chiến thuật và tốc độ xuất sắc. Họ cũng được biết đến vì đối xử rất tàn bạo với những kẻ chống lại mình. Vụ bao vây và cướp phá Baghdad vào năm 1258 nổi tiếng vì quy mô của hoạt động tàn sát.

"Hốt Tất Liệt đã tạo ra bản đồ châu Á hiện đại, biến Trung Quốc thành một cường quốc” – chuyên gia Mông Cổ Jack Weatherford nói với AFP – “Thế giới hiện đại được định hình bởi Thành Cát Tư Hãn và cháu ông là Hốt Tất Liệt. Cùng nhau, họ là hai nhân vật quan trọng nhất suốt mấy ngàn năm lịch sử đã qua.

Nhân dịp này, Bảo tàng quốc gia Mông Cổ đã trưng bày nhiều hiện vật từ thời Hốt Tất Liệt và thời Nguyên, với các loại vũ khí, áo giáp và trang phục được trang trí tinh xảo.

 "Thành Cát Tư Hãn nổi tiếng trong vai trò một lãnh đạo quân sự. Nhưng Hốt Tất Liệt là vị quân vương đã kiến tạo ra một vương quốc khổng lồ, không chỉ bằng cách chinh phạt mà còn qua hoạt động quản lý, qua chính sách về chính trị, thương mại, khoa học, tôn giáo và sản xuất” - Egiimaa Tseveendorj, một nhà nghiên cứu ở bảo tàng cho biết.

Mông Cổ kỷ niệm 800 năm ngày sinh Hoàng đế Hốt Tất Liệt ảnh 2Thế hệ con cháu của Hoàng đế Hốt Tất Liệt (Nguồn: AFP)

Trung Quốc hiện cũng nhận Hốt Tất Liệt là nhân vật thuộc về nước này, qua đó khiến Mông Cổ lo lắng sẽ bị khuất bóng trước người láng giềng khổng lồ.

Di chỉ Xanadu, nơi từng là thủ đô mùa Hè dưới triều Nguyên, nay nằm ở vùng Nội Mông của Trung Quốc, đã được thêm vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO vào năm 2012, sau khi Bắc Kinh đệ đơn đề nghị.

 "Chúng tôi muốn điều chỉnh lại lịch sử cho đúng” - S. Chuluun, Giám đốc Viện nghiên cứu lịch sử và khảo cổ Mông Cổ, nói với một tờ báo địa phương – “Mọi người Mông Cổ phải có trách nhiệm thông báo với thế giới rằng Xanadu thực ra là sản phấm do Mông Cổ tạo ra.”

Ngày hôm nay, người Mông Cổ hiện đại đang tìm cách kết nối với các bậc tiền nhân hùng mạnh của họ. Xu hướng mới nhất là đặt tên con theo các vị hoàng đế Mông Cổ hay theo gia đình Thành Cát Tư Hãn. "Trước đây việc này không phổ biến. Nhưng trong 10 năm qua, nhiều đứa trẻ Mông Cổ đã được đặt tên theo các vị hoàng đế hay vợ họ” - Egiimaa nói – “Tôi nghĩ rằng sau lễ mừng năm nay, cái tên Hốt Tất Liệt sẽ được đặt cho rất nhiều đứa trẻ mới chào đời.”

Dưới sự lãnh đạo của Hoàng đế Hốt Tất Liệt, Mông Cổ đã đạt đỉnh điểm của sự hưng thịnh. Ông đã rời đô từ Hoa Lâm về Đại Đô, tức Bắc Kinh ngày nay.

Trong thời gian trị vì của mình, quân đội nhà Nguyên của Hốt Tất Liệt từng hai lần tấn công nhà nước Đại Việt nhưng đều thất bại dưới tay quân dân nhà Trần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục