Mong manh trong ổn định

Kinh tế thế giới 2010: Mong manh trong ổn định

Theo tuần báo The Economist, năm 2010 có thể gọi là cuộc “Đại Ổn định,” sau những trao đảo của cuộc "Đại suy thoái" trong năm 2009.
Cuộc suy thoái kinh tế đã không tai hại như nhiều người lo sợ, nhưng hậu quả của nó sẽ nguy hiểm hơn nhiều người tưởng.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 được coi là một cuộc “Đại Suy thoái” - một năm mà kinh tế thế giới phải chịu đựng sự sụt giảm sâu nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Nhưng theo tuần báo The Economist, năm nay cũng có thể gọi là cuộc “Đại Ổn định,” một năm bất thường không chỉ ở khía cạnh sản lượng bị sụt giảm sâu mà cả ở khía cạnh nhân loại đã tránh được một thảm họa kinh tế.

Mười hai tháng trước, nỗi kinh hoàng sinh ra từ vụ phá sản Ngân hàng Lehman Brothers bên Mỹ đã đẩy các thị trường tài chính tới bờ vực sụp đổ. Hoạt động kinh tế toàn cầu, từ sản xuất công nghiệp đến ngoại thương, đã xuống dốc nhanh hơn thời kỳ Đại Khủng hoảng năm 1930.

Tuy nhiên lần này, đà xuống dốc đã bị ngăn chặn chỉ sau vài tháng. Các nền kinh tế đang phát triển cỡ lớn đã tăng tốc trước nhất và nhanh nhất. Sản lượng của Trung Quốc, bị đình trệ nhưng không sụt giảm, đã tăng trở lại ở mức 17%/năm kể từ quý II/2009.

Sang giữa năm, các nền kinh tế lớn và giàu có nhất thế giới (ngoại trừ Anh và Tây Ban Nha) đã bắt đầu tăng trở lại, chỉ còn vài nước bị tụt hậu, chẳng hạn như Latvia và Ireland, có vẻ như hiện vẫn còn trong tình trạng suy thoái.

Người dân thường phải chịu nhiều thiệt hại. Mức thất nghiệp bình quân trong khối các nền kinh tế phát triển OECD đã lên tới 9%. Ở Mỹ, nơi cuộc khủng hoảng bắt đầu sớm nhất, tỉ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi, lên 10%. Ở một số nơi khác, thành quả xóa đói giảm nghèo đạt được trong nhiều năm đã bị đảo ngược vì những người nghèo nhất cũng là những người bị tác động kép: thu nhập suy giảm trong khi giá thực phẩm tăng cao.

Nhưng nhờ vào tính chất bền bỉ của các nền kinh tế lớn và đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, thế giới đang phát triển nhìn chung đã không bị tác hại nặng hơn vụ suy thoái đầu thập niên 1990. Đối với nhiều người trên hành tinh, cuộc “Đại Suy thoái” đã không quá nghiêm trọng.

Thành quả đó không phải tự dưng mà có. Đó là kết quả của cuộc phản ứng lớn nhất, rộng nhất và nhanh nhất trong lịch sử của các chính phủ. Những ngân hàng bị chao đảo được “bao bọc” trong những gói cứu nguy nhiều tỉ USD từ ngân sách và tiền bảo hiểm.

Các ngân hàng trung ương theo nhau giảm lãi suất; những ngân hàng lớn nhất nhanh chóng củng cố bảng cân đối tài sản. Các chính phủ khắp thế giới hồ hởi ban hành hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế. Sự tích cực phi thường này đã giúp ngăn chặn cơn hoảng loạn, vực dậy hệ thống tài chính và chống lại sự sụp đổ nhu cầu tiêu thụ.

Có khá nhiều tin tốt lành như vậy. Nhưng tin xấu là sự ổn định ngày hôm nay, tuy rất đáng hoan nghênh, vẫn mong manh một cách đáng ngại, cả vì nhu cầu tiêu thụ toàn cầu hiện phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các chính phủ, và sự hào phóng của công chúng đang che giấu nhiều vấn đề cũ có tính chất bấp bênh. Giá bất động sản ở nhiều nơi vẫn giảm chứ không tăng và áp lực lên ngành ngân hàng vẫn còn rất nặng nề.

Những dấu hiệu rõ ràng của thành công, chẳng hạn các ngân hàng lớn của Mỹ đã hoàn trả tiền ngân sách sớm hơn dự định, đang khiến nhiều người dễ dàng quên rằng cuộc phục hồi kinh tế vẫn đang dựa trên sự hỗ trợ của chính phủ. Loại bỏ những ảnh hưởng tạm thời do việc các doanh nghiệp tái lập kho hàng dự trữ, thì phần lớn sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu là nhờ vào các dự án chi tiêu công, từ làn sóng đầu tư do chính phủ thúc đẩy ở Trung Quốc đến việc chi tiêu do kích cầu gây ra ở Mỹ.

Ở các nền kinh tế đang phát triển lớn, sự phục hồi đã tăng tốc, trong khi ở thế giới giàu có, mọi nỗ lực dường như chỉ để ngăn không cho nền kinh tế rơi vào suy thoái trở lại.

Sự khác biệt này sẽ còn tồn tại lâu dài. Nhu cầu của thế giới giàu có vẫn sẽ yếu ớt, nhất là ở các nước mà ngườidân lâm vào cảnh nợ nần và hệ thống ngân hàng bị sụp đổ. Ở nước Mỹ chẳng hạn, tỷ lệ nợ phải trả trong tổng thu nhập của các hộ gia đình mới chỉ giảm một chút so với đỉnh điểm và vẫn còn cao hơn mức một thập niên về trước khoảng 30%.

Tỷ lệ này còn ít biến động hơn trong các gia đình Anh và Tây Ban Nha. Vì thế, rất nhiều khả năng tiêu dùng tư nhân sẽ trì trệ kéo dài. Và khi gánh nặng nợ nần tăng lên, chính phủ các nước giàu sẽ thấy ngày càng khó vay thêm tiền để bù đắp lại sự sụt giảm chi tiêu tư nhân. Sự trái ngược giữa các nước giàu với các nền kinh tế đang phát triển được điều hành tốt hơn sẽ ngày càng sâu sắc.

Các nhà đầu tư đã lo ngại về khả năng phá sản của Hy Lạp, nhưng các thành viên khác của khu vực đồng euro cũng đang trong tình trạng nguy hiểm. Ngay đến Anh và Mỹ cũng có thể phải đối mặt với chi phí vay mượn cao hơn. Các nền kinh tế đang phát triển cỡ lớn lại đương đầu với những vấn đề trái ngược: bóng ma bong bóng tài sản và những sự méo mó khác khi các chính phủ lựa chọn, hoặc bị buộc phải duy trì các điều kiện tài chính quá lỏng lẻo trong một thời gian quá dài.

Do quy mô và cơ cấu của gói kích cầu, Trung Quốc đang rất lo ngại. Thanh khoản dư thừa một cách đáng ngại và việc chính phủ Trung Quốc từ chối đề nghị để cho đồng Nhân dân tệ tăng giá đang cản trở công cuộc chuyển dịch nền kinh tế nước này về hướng tiêu thụ, thay vì chỉ dựa vào đầu tư và xuất khẩu. Nhưng chính sách tiền tệ lỏng lẻo ở các nước giàu cũng làm cho các nền kinh tế đang phát triển khó mà siết chặt các điều kiện tài chính ngay cả khi họ muốn làm như vậy, bởi vì điều đó sẽ khơi dậy dòng tiền nóng mang tính chất đầu cơ.

Kinh tế thế giới có chuyển biến suôn sẻ từ cuộc Đại Ổn định hiện nay sang sự phục hồi bền vững trong năm tới hay không tùy thuộc vào việc xử lý tốt đến đâu những thách thức và khác biệt đó. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách đang phải vật lộn với những khó khăn kỹ thuật to lớn trong việc tìm kiếm những chiến lược đúng đắn nhằm rút ra khỏi những biện pháp kích cầu.

Tệ hơn nữa, họ phải làm việc đó trong một bối cảnh chính trị ngày càng tối tăm. Như biện pháp đóng thuế lên tiền thưởng của giới ngân hàng ở Anh cho thấy, chính sách tài chính ở các nước giàu có nguy cơ bị chi phối bởi sự phẫn nộ ngày càng tăng của công chúng đối với giới ngân hàng và các khoản cứu nguy.

Ở Mỹ, tính độc lập của Ngân hàng trung ương (tức Cục Dự trữ liên bang Mỹ, FED) đang bị Quốc hội đe dọa. Và thời thất nghiệp cao có nghĩa là xung đột thương mại đang biến thành một nguy cơ ngày càng lớn, nhất là đối với Trung Quốc.

Cộng hết tất cả những điều nói trên, chúng ta có thể kỳ vọng điều gì trong năm tới? Những người bi quan dự báo đủ loại “sốc” trong năm 2010, từ những vụ khủng hoảng do các quốc gia không trả nợ nổi (như trường hợp có thể xảy ra cho Hy Lạp), cho đến chủ nghĩa bảo hộ thiếu thận trọng (chẳng hạn Mỹ dùng thuế suất cao để chống lại chính sách tỷ giá không công bằng của Trung Quốc).

Có khả năng xảy ra nhiều hơn là hàng loạt vấn đề nhỏ hơn, từ sự gia tăng đột ngột lợi tức trái phiếu (như ở Anh trước kỳ bầu cử), những quyết định tài chính thiển cận (ví dụ áp thuế lên giao dịch tài chính), bãi công đòi không được giảm lương (như vụ đình công của nhân viên đội bay của British Airways dự định diễn ra trong mùa Giáng sinh và Năm mới hiện nay)…

Một năm mới lại đến, cùng với những niềm hy vọng và những biến cố chưa biết trước được./.

 Bài viết được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh Nhân của VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục