Một bộ phận người dân có thói quen ăn gà thải loại

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Hà Nội quyết liệt hơn trong ngăn chặn gia cầm nhập lậu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ngày 9/11 đã yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội hoàn thành đề án quản lý việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn Hà Nội trước ngày 30/11.

Tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về tiến độ xử lý việc chấm dứt vận chuyển gà không rõ nguồn gốc nhập lậu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận Hà Nội đã tạo chuyển biến tích cực và có trách nhiệm trong việc phòng chống gia cầm nhập lậu.

Mới đây Thành phố đã có quy định ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác quản lý địa bàn.

Phó Thủ tướng chỉ rõ tác hại của tình trạng để gia cầm nhập lậu tràn lan trong việc ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người dân, làm thất thoát một khoản thu thuế lớn cho ngân sách , làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cúm ở người và gia cầm, gây hại cho người chăn nuôi chân chính và ngành chăn nuôi của cả nước.

Về những giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang giao cho Bộ Công thương chủ trì xây dựng đề án cấp quốc gia về ngăn chặn vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc.

Phó Thủ tướng lưu ý, tới đây Hà Nội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bổ sung thành viên Sở Thông tin Truyền thông vào ban chỉ đạo, tăng cường các chốt kiểm dịch, hình thành các đội tuần tra lưu động, phát hiện kịp thời việc vận chuyển gia cầm trái phép.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm cần kiên quyết thu giữ để làm rõ trách nhiệm, nguồn gốc xuất xứ gia cầm.

Tại 10 điểm đầu nậu thường vận chuyển gia cầm nhập lậu, trước tiên cơ quan chức năng các tỉnh lân cận và thành phố Hà Nội cần vận động, nói chuyện và ký cam kết không vi phạm với tinh thần để người dân tự nguyện tham gia và tự giác thực hiện. Phó Thủ tướng yêu cầu không được bán đấu giá những loại gà thải loại bị thu giữ mà phải tiêu hủy toàn bộ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp thông tin chính thức để các cơ quan truyền thông có kế hoạch tuyên truyền, chỉ rõ tác hại khi sử dụng loại gà thải loại này đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong quá trình hoàn thiện đề án quản lý việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn Hà Nội, các giải pháp nêu ra phải khả thi, triển khai dài hạn, không cho phép diễn ra tình trạng “ đầu voi- đuôi chuột”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xác định rõ các điểm tiêu thụ gà từ 5 tuyến buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc từ biên giới về Hà Nội; đấu tranh mạnh mẽ với những đầu nậu lớn chuyên kinh doanh gia cầm nhập lậu ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần nghiên cứu kỹ các phương án và đề xuất chế tài xử lý phương tiện tham gia vận chuyển gà thải loại, nhập lậu.

Trước đó, lúc 2h30 sáng 6/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trực tiếp kiểm tra, đánh giá thực tế tình hình buôn bán gia cầm tại chợ đầu mối Hà Vĩ – Thường Tín và bến phà Tứ Dân – Khoái Châu – Hưng Yên.

[Báo động tình trạng nhập lậu gia cầm mang dịch bệnh]


Chợ đầu mối Hà Vĩ được xác định là nơi phải giải quyết dứt điểm trong thời gian tới, rút kinh nghiệm cho các địa phương khác triển khai trong thời gian tiếp theo. Đây là điểm nóng trong việc tiêu thụ gà nhập lậu, chi phối tới 80% thị trường Hà Nội.

Hằng ngày tại chợ Hà Vĩ có khoảng 60 - 80 tấn gà nhập lậu được đưa về tiêu thụ. Từ đầu tháng 8/2012 đến nay, do được quan tâm kiểm soát chặt chẽ, các lực lượng chức năng đánh giá lượng gà nhập lậu về chợ này đã giảm hẳn nhưng vẫn còn 8-10 tấn/ ngày và đang có chiều hướng tiếp tục giảm.

Sau khi Chính phủ có những biện pháp mạnh tay với gà thải loại, nạn buôn lậu gà đã giảm nhiều, tuy nhiên trong thời gian cuối năm, chắc chắn gà không rõ nguồn gốc sẽ bùng phát trở lại nhiều hơn và khó kiểm soát hơn.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, thời gian qua các địa phương trên địa bàn thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt, tình trạng vận chuyển gia cầm nhập lậu vào Hà Nội có giảm, nhưng không bền vững và tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là dịp cuối năm.

Hà Nội là địa phương có địa bàn lớn, đông dân cư, nhiều tuyến đường thông thương nên việc kiểm soát hết sức khó khăn nhưng thành phố sẽ triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn và giảm thiểu thấp nhất gia cầm nhập lậu vào thành phố.

Thành phố, sẽ giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, nếu để xảy ra các vi phạm thì xử lý kỷ luật chủ tịch xã.

Hiện địa bàn Hà Nội có rất nhiều tuyến đường gia cầm nhập lậu vận chuyển nên rất khó khăn trong phát hiện và xử lý, như các tuyến từ Móng Cái (Quảng Ninh); tuyến Lạng Sơn; tuyến Hà Nam, Hưng Yên; tuyến Lào Cai, Hòa Bình, Vĩnh Phúc...

Thời gian qua, do lực lượng kiểm tra còn mỏng, công tác xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, công tác tuyên truyền, vận động chưa được chú trọng và thường xuyên, cộng với sự hiểu biết của người dân còn hạn chế nên không ít người vẫn sử dụng những sản phẩm kém chất lượng đã vô tình “tiếp tay” cho gia cầm mang mầm dịch bệnh tràn vào địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, một bộ phận người dân đang dễ dãi trong tiêu dùng thực phẩm, có thói quen ăn gà thải loại với đặc điểm thịt giòn, dai.

Đây là thói quen cần phải thay đổi và chấm dứt bởi nguy cơ lây nhiễm những chủng bệnh mới từ gà thải loại là rất cao.

Loại gà thải loại này đã hết chất dinh dưỡng bởi dư lượng kháng sinh tồn dư quá giới hạn cho phép, gây ra choresterol tăng cao trên cơ thể người.

Trên thế giới, riêng gà thải loại (gà hết chu kỳ đẻ trứng) chỉ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, khuyến cáo người dân không nên sử dụng./.

Từ Lương - Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục