Một phụ nữ bị chặt đầu công khai tại thánh địa Mecca

Saudi Arabia: Một phụ nữ bị chặt đầu công khai tại thánh địa Mecca

Chính quyền Saudi Arabia vừa cho tử hình công khai một phụ nữ bằng cách chặt đầu ngay tại thánh địa Mecca của người theo đạo Hồi.
Saudi Arabia: Một phụ nữ bị chặt đầu công khai tại thánh địa Mecca ảnh 1Người phụ nữ bị bốn cảnh sát giữ chặt trước khi đao phủ hành hình. (Nguồn: index.hr)

Chính quyền Saudi Arabia vừa cho tử hình công khai một phụ nữ bằng cách chặt đầu ngay tại thánh địa Mecca của người theo đạo Hồi. Hành động này đã làm tăng thêm nhiều chỉ trích về tình trạng vi phạm quyền con người tại quốc gia này.

Laila Bint Abdul Muttalib Basim, một phụ nữ Myanmar cư trú ở Saudi Arabia đã bị kéo lê trên đường phố, rồi bị bốn cảnh sát giữ chặt trước khi đao phủ hành hình. Người phụ nữ này bị buộc tội đã bạo lực tình dục và sát hại cô con gái riêng mới 7 tuổi của chồng.

Một đoạn video quay lại sự việc cho thấy đao phủ đã dùng tới ba nhát chém mới hoàn tất việc hành hình, trong khi người phụ nữ liên tục kêu lên “Tôi không giết người, tôi không giết người”. Hiện YouTube đã gỡ bỏ đoạn video này vì chứa nội dung “gây sốc và đáng sợ”.

Mohammed al-Saeedi, một nhà hoạt động vì quyền con người cho biết, có hai cách xử tử bằng chặt đầu.

“Cách thứ nhất là tử tù sẽ được tiêm thuốc để không cảm thấy đau đớn. Cách thứ hai là tử tù không được tiêm thuốc. Người phụ nữ bị hành hình đã không được tiêm thuốc - họ muốn cô ấy cảm nhận được mọi sự đau đớn.”

 

Bộ Nội vụ Saudi Arabia cho biết hình phạt này là phù hợp với tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Trong vòng hai tuần đầu tiên của năm 2015, vương quốc Hồi giáo này cũng đã có 7 người bị xử tử bằng cách chặt đầu. Năm 2014, số người bị chặt đầu tại Saudi Arabia đã tăng từ 78 người năm 2013 lên 87 người.

Trước khi vụ chặt đầu công khai này xảy ra, Raif Badawi, một blogger người Saudi Arabia đã phải nhận án phạt 1000 roi và 10 năm ngồi tù vì đã mở ra trang web mang tư tưởng tự do và thế tục có tên Free Saudi Liberals. Anh đã thoát được án tử hình sau khi tòa án bác bỏ các cáo buộc anh phản bội tôn giáo năm 2013, nhưng cứ mỗi thứ Sáu hàng tuần, Badawi sẽ lại bị đánh bằng roi cho đến khi đủ số lượng. Hiện Badawi đã được hoãn nhận 50 roi lần thứ hai do các lý do sức khỏe, nhưng việc này cũng chỉ là tạm thời.

Sarah Leah Wilson, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Trung Đông và Bắc Phi cho biết: “Những hình phạt kiểu này không phải là điều gì xa lạ ở Saudi Arabia, nhưng việc dùng roi đánh công khai một nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa chỉ vì anh ấy đã bày tỏ quan điểm của mình là một việc không thể chấp nhận. Chính quyền ở Saudi Arabia đang cho thấy họ sẵn sàng sử dụng các hình phạt nặng nề và độc ác với những người có quan điểm trái ngược với họ.”

Ở Saudi Arabia, một lượng lớn các vụ án, bao gồm giết người, cưỡng bức, ngoại tình và cướp có vũ trang đều sẽ bị xử chém. Chặt đầu được cho là một trong những hình phạt mang nhiều tính “nhân đạo” hơn mà chính quyền có thể lựa chọn, còn xử bắn hay ném đá đến chết lại là cách mà các quan tòa hay dùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục