Một thực tế buồn

Giới trẻ thờ ơ với lễ hội truyền thống: Thực tế buồn

Bạn trẻ rất rộn ràng với các ngày lễ "ngoại lai" nhưng lại hoàn toàn hờ hững với lễ hội truyền thống. Thực trạng này có lỗi của những ai?
Đang trong mùa lễ hội xuân, đến đâu cũng thấy người người tấp nập, nhưng những người thực sự hứng thú với lễ hội truyền thống lại không phải là các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ ở thành phố. Giới trẻ Việt Nam năng động, ưa khám phá nhưng khi được hỏi về những ngày lễ truyền thống, những ngày kỷ niệm của đất nước mình thì… ấp a ấp úng, gãi đầu gãi tai.

Trong khi đó, với những ngày lễ du nhập từ nước ngoài như Giáng sinh, Valentine, Cá tháng Tư hay gần đây còn có ngày của Mẹ (10/5) thì lại được giới trẻ đón nhận rất nồng nhiệt.

Vì sao thờ ơ với truyền thống?
Băn khoăn trước việc những ngày lễ truyền thống ngày càng ít được mong chờ và nhắc đến, thay vào đó là những ngày lễ "ngoại lai", phóng viên Vietnam+ đã tìm đến thầy giáo Hoàng Trung Thuấn, một người chuyên tham gia tổ chức các lễ hội của Đoàn thanh niên khối các trường phổ thông trung học và đại học. Thầy cho biết: "Việc thờ ơ của giới trẻ với văn hóa truyền thống cần phải được tìm hiểu căn nguyên." Theo thầy Hoàng Trung Thuấn: "Một trong những nguyên nhân là do các cơ quan văn hóa, ban tổ chức lễ hội truyền thống, tổ chức ngày lễ lớn còn mang nặng tính chất hình thức mà còn chưa chú trọng đến phần 'hội.' Nếu không tổ chức cho ra trò để các bạn trẻ được 'chơi và vui' theo đúng nghĩa thì giới trẻ quay lưng là dễ hiểu." "Tìm đến sự mới lạ trong các ngày lễ nước ngoài không phải là lỗi của riêng các bạn trẻ. Hãy thử hình dung, ở nhiều trường học, ngày lễ là tập trung học sinh ở dưới sân để nghe những bài nói, báo cáo có tính chất tuyên truyền và hô hào thì sẽ không hiệu quả. Báo cáo viên có là những người giỏi nhất cũng không thấm thía bằng cho chính các em cùng tham gia vào chương trình," thầy giáo Thuấn nói. Đúng là hầu như các ngày lễ kỉ niệm chỉ được biết đến qua các cuộc diễu hành, kỉ niệm; các lễ hội dân gian được biết đến qua các phần lễ rình rang, phô diễn nghi thức và phần hội thì sơ sài, nhàm chán đã làm giới trẻ không quan tâm chú ý. Bạn Quang Thông (19 tuổi, Đại học Kiến trúc) chia sẻ: “Có một lần, tôi cùng bạn bè nhân kỳ nghỉ đi lên Bắc Ninh xem hát quan họ. Cứ ngỡ sẽ được xem các liền chị ngân nga, thì lên đến nơi, thứ quan họ tôi nghe được phát ra từ đài chạy đĩa rồi cắm vào loa rè rè. Cũng chả trách được các cô, tiếng hát sao át được tiếng cười nói í ới gọi nhau của dòng người đi qua tấp nập. Thành thử, cứ nghĩ 50 năm sau, có khi quan họ chỉ còn được biết đến qua file.mp3 với lượt download 2 lần/năm!" Thông còn nói: "Em nghĩ rằng rất có thể bản sắc Việt Nam chỉ còn trong những văn bản báo cáo văn hóa-văn nghệ được các cấp lãnh đạo văn hóa 'copy-paste' từ năm này qua năm khác, còn giới trẻ vẫn chạy theo văn hóa phương Tây mới mẻ. Vậy thì chả trách được giữ gìn văn hóa truyền thống ở ta khó khăn và không đậm truyền thống Việt trong giới trẻ.” Giá như những ngày lễ truyền thống Việt Nam được tổ chức một cách phong phú hơn, gần gũi hơn, giữ được cái “thần” tinh túy của lễ và thật rộn ràng chất "hội" thì chắc chắn sẽ không bị giới trẻ lãng quên như bây giờ.
Sính ngoại vì đâu?
Thanh niên là lớp người rất ưa chuộng những điều lạ và dễ dàng đón nhận những nét văn hóa mới. Với sự phát triển ồ ạt của các phương tiện truyền thông như hiện nay, ngày càng nhiều ngày lễ hội trên thế giới du nhập vào Việt Nam được giới trẻ đón nhận. Việc tổ chức các lễ hội "ngoại lai" không có gì đáng chê trách nếu như những ngày lễ truyền thống và kỉ niệm của nước ta cũng khiến các bạn trẻ đón nhận hào hứng giống vậy. Nếu những ngày lễ truyền thống tại Việt Nam có từ lâu đời thì hầu như các ngày lễ ngoại lai đều chỉ du nhập vào Việt Nam những năm trở lại đây thông qua sự cổ súy của giới truyền thông. Hãng sữa X tổ chức Ngày của mẹ tưng bừng ở mấy công viên lớn tại Hà Nội, hơn cả 8/3, cũng làm mọi người thấy ấn tượng. Đưa lên truyền hình một nàng dâu hiện đại đòi mang về gia đình một ngày lễ Halloween khá thuyết phục (phim "Cầu vồng tình yêu") cũng là tăng ảnh hưởng cho một ngày lễ còn mới lạ.   Quay ngược lại khoảng chục năm trước, thanh niên Việt Nam thường chỉ biết đến ngày Tết dương lịch, lễ Giáng sinh, lễ Tình yêu thì hôm nay, chúng ta thấy giới trẻ quay vòng chuẩn bị từ Valentine, Cá tháng tư, Phục sinh, Halloween, Valentine trắng, lễ Tạ ơn, … rồi đến cả những party học theo cách của thế giới (party trắng, party độc thân, …). Nhưng nếu hỏi đến những ngày lễ kỉ niệm của nước ta, chưa chắc đã để tâm chứ chưa nói đến những lễ hội dân gian như: lễ Thượng Nguyên, Tết Đoan Ngọ, Hội Gò Đống Đa, Hội Lim … hay lễ hội tại các vùng miền (lễ Cầu ngư, diệt trừ sâu bọ, mừng lúa mới …) Còn các ngày lễ lớn lại bị giới trẻ đón nhận với sự biến dạng dưới các hình thức tụ tập ăn chơi. Có nhóm còn là rủ nhau đi đua xe, nhiều đám cùng nhau đi du lịch vì đó là ngày nghỉ. Trong rất nhiều nhóm bạn trẻ cùng nhau đi chơi trong ngày lễ đó suốt một hai ngày nhưng không ai nghĩ đến ý nghĩa của ngày lễ. Bạn Thủy Tiên (20 tuổi, du học sinh Mỹ) hào hứng kể: “Những ngày lễ như Noel là những ngày để tôi tung tăng ra phố cùng bạn bè để gặp gỡ, đi chơi, ăn uống… Còn những party hay prom lại là những nơi đông vui, và có thể thỏa sức thể hiện cái 'tôi' của mình." Thủy Tiên kể: "Ở các party và prom, tôi tha hồ được mặc những bộ đồ lễ hội, làm tóc, make up và diện những chiếc váy bồng bềnh như công chúa, hay hóa trang thành những nhân vật cổ tích, hoạt hình… Với tôi, đó còn là những ngày  đáng nhớ, những ngày đầy ắp kỷ niệm với bạn bè.”
Trách nhiệm về ai?
Việc quay lưng lại với các ngày lễ truyền thống của giới trẻ là một thực tế đáng buồn. Họ bỏ rơi các ngày lễ truyền thống vì nhiều lý do, nhưng dù là khách quan hay chủ quan thì cũng không thể biện minh được cho sự thờ ơ lãng quên truyền thống dân tộc. Mỗi cá nhân cần ý thức hơn để giữ gìn nền văn hóa Việt Nam mà các lễ hội truyền thống là một phần không thể thiếu. Giới trẻ của các thành phố lớn là lớp người năng động và nhanh tiếp nhận những điều mới. Tiến sĩ Nguyễn Băng Tâm là một nhà giáo dục rất tâm huyết với giáo dục truyền thống nói: "Nếu cứ than trách chung chung thì không thể bằng quy trách nhiệm. Để thay đổi thực trạng giới trẻ không quan tâm đến các lễ hội cũng như là văn hóa truyền thống phải có cái nhìn cụ thể." “Theo tôi, trước tiên là gia đình phải có giáo dục cho các em. Nếp nhà rất quan trọng. Khi người cha, người mẹ đứng trước ban thờ tổ tiên mà luôn chỉnh tề thì đứa trẻ lớn lên cũng không suồng sã, buông tuồng trong những ngày lễ Tết, giỗ chạp ở gia đình cũng như những lễ hội thiêng liêng,” Tiến sĩ Tâm nói. Bà Tâm còn nêu vấn đề: “Ngày nay các bậc phụ huynh rất bận rộn cho nên hầu hết là các gia đình trông cậy vào giáo dục truyền thống ở nhà trường. Tuy nhiên ở trường thì trong các môn học như Văn, Sử, Giáo dục công dân cũng chỉ có "bóng dáng văn hóa truyền thống," chứ không  là một môn chính thức phải học nên lại tùy ở giáo viên. Nếu trò được học một cô giáo nhiệt tình với văn hóa truyền thống thì còn có thể. Bằng không thì trẻ khó có thể có 'nguồn cội' về văn hóa dân tộc.” Cô giáo Ngô Thị Khánh Hoa, Phó hiệu trưởng phụ trách Đức dục của một trường Trung học phổ thông ở quận Đống Đa chia sẻ: "Chúng tôi, một mặt đưa những ngày lễ vào nhà trường để giáo dục truyền thống nhưng mặt khác lại tiếp nhận cả những tiết mục văn nghệ hiện đại cho phong phú chương trình. Ví dụ như, không có gì là sai khi có một đội nhảy hiphop biểu diễn nhân kỷ niệm ngày 30/4. Và trong ngày 22/12 giáo viên cùng học sinh có hát và biểu diễn khiêu vũ thể thao cùng đơn vị bộ đội kết nghĩa với nhà trường." Phóng viên Vietnam+ tìm đến NSƯT Hán Văn Tình, Trưởng đoàn 2 của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Anh Tình cho biết: "Không thể bắt các bạn trẻ yêu khi họ không hiểu. Chúng tôi đang có kế hoạch liên kết với các trường phổ thông trung học và các trường đại học để mang tuồng vào học đường." "Hãy hình dung các tiết mục xuất sắc của tuồng như 'Ông già cõng vợ đi hội,' 'Hồ Nguyệt cô hóa cáo' hay trích tuồng 'Sơn hậu' mà được diễn thì các bạn trẻ sẽ nhận ra cái hay của văn hóa truyền thống. Khi biết, khi hiểu thì ắt sẽ thích và sẽ yêu," NSƯT Hán Văn Tình khẳng định. Cũng theo nghệ sỹ Hán Văn Tình, các nghệ sỹ dù có hết lòng cũng không ăn thua gì nếu không có một chiến lược chung về tuyên truyền văn hóa truyền thống. Cần phải xem như đó là nhiệm vụ của xã hội, của ngành giáo dục. Đào tạo nghệ sỹ đã quan trọng, nhưng văn hóa truyền thống còn cần đào tạo khán giả, làm khán giả quan tâm thì mới mong họ mê. Có người mê thì sân khấu truyền thống mới đỏ đèn, lễ hội truyền thống mới rộn ràng từ trong lòng những người trẻ."/.
Phương Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục