Một triệu USD giúp giảm mù lòa của trẻ em Cần Thơ và Cà Mau

Tổ chức Orbis của Hoa Kỳ sẽ phối hợp với một số tổ chức phi chính phủ khác triển khai dự án "Ánh sáng cho trẻ em tại Cần Thơ và Cà Mau trong giai đoạn 2016-2018" với tổng vốn 1 triệu USD.
Một triệu USD giúp giảm mù lòa của trẻ em Cần Thơ và Cà Mau ảnh 1Bác sỹ của Orbis khám mắt cho bệnh nhân. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ ngày 29/9, đại diện Tổ chức phi Chính phủ Orbis Hoa Kỳ cho biết sẽ tài trợ cho thành phố triển khai dự án "Ánh sáng cho trẻ tại Cần Thơ" nhằm giúp Cần Thơ giảm tỷ lệ mù lòa cho trẻ thông qua việc xây dựng mạng lưới sàng lọc và chuyển tuyến bệnh nhân trong tỉnh.

Bà Trần Thị Thanh Hương, Trưởng đại diện Tổ chức Orbis tại Việt Nam cho biết để hỗ trợ ngành mắt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ trong việc nâng cao năng lực chăm sóc và phòng chống mù lòa, Tổ chức Orbis sẽ phối hợp với một số tổ chức phi chính phủ khác triển khai dự án "Ánh sáng cho trẻ em tại Cần Thơ và Cà Mau trong giai đoạn 2016-2018."

Dự án có tổng vốn đầu tư 1 triệu USD, trong đó đầu tư tại Cần Thơ 700.000 USD cho các hợp phần phẫu thuật điều trị mắt trẻ em và điều trị tật khúc xạ.

Theo bà Hương, mặc dù nguồn kinh phí tài trợ khiêm tốn nhưng dự án sẽ giúp Cần Thơ xây dựng Trung tâm mắt trẻ em, phòng khám mắt trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ và Bệnh viện Mắt Cần Thơ với các trang thiết bị cần thiết cho khám, điều trị các bệnh mắt trẻ em và đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế được đào tạo bài bản theo chuẩn mực quốc tế...

Đặc biệt, Dự án cũng giúp Cần Thơ xây dựng dịch vụ tật khúc xạ cho trẻ em với các trung tâm khúc xạ, quầy kính tại các huyện với trang thiết bị và đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản.

Theo đánh giá của Tổ chức Orbis, ước tính khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 300.000 trẻ có vấn đề về mắt cần được phát hiện và điều trị sớm nhằm phòng tránh, điều trị thoát khỏi mù lòa; gần 1 triệu trẻ em trong khu vực mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính để bảo vệ thị lực. Hiện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt còn rất nhiều hạn chế do thiếu nhân lực cũng như trang thiết bị cần thiết.

Cũng theo thống kê của Tổ chức Orbis, tỷ lệ bác sỹ mắt trên 1 triệu dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 7,6%; thấp thứ hai toàn quốc; tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể/triệu dân và số kỹ thuật viên khúc xạ trên triệu dân ở khu vực này cũng thấp nhất trên toàn quốc.

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ khẳng định Cần Thơ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan giải quyết nhanh hồ sơ, thủ tục pháp lý tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dự án sớm triển khai tại Cần Thơ, từ đó góp phần phát huy hiệu quả của dự án trong khám, chữa bệnh cho người dân Cần Thơ và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục