Một tuần nhận không dưới 10 cuộc điện thoại báo cháy giả!

Phó Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 3 chia sẻ một cách thật lòng: tính ra mỗi tuần Phòng nhận được không dưới chục cuộc gọi báo cháy giả, hầu như toàn là nữ.
(Ảnh minh họa: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Nhằm kết nối với người dân và để tiếp nhận thông tin hỏa hoạn được nhanh chóng, kịp thời, giống như các cơ quan khác, ngành ​phòng cháy chữa cháy cũng có số điện thoại tổng đài, đồng thời mỗi Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khu vực đều có số điện thoại riêng để người dân liên lạc khi có sự cố.

Tuy nhiên, một số người dân có thói quen xấu (do nhàn rỗi hoặc dụng ý xấu) gọi tới số tổng đài Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy để báo tin giả.

“Một tuần nhận cả chục cuộc báo cháy giả”

​Trao đổi với phòng viên, Thiếu tá Bùi Đăng Tuấn-Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 3 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: “Một tuần, chúng tôi nhận được không dưới chục cuộc điện thoại báo cháy giả.”

“Thời gian gần đây, số người gọi điện tới báo cháy giả giảm bớt, còn mấy tháng trước rất thường xuyên, chủ yếu do một số người dân thiếu ý thưc gọi lên thẳng số máy phòng. Những người này dùng sim rác để gọi, đa phần là phụ nữ. Nhiều khi chúng tôi đùa nhau: chắc tại anh em phòng mình trẻ trung, đẹp trai quá nên hay bị trêu,” Thiếu tá chia sẻ.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 3, thông thường, bằng nghiệp vụ, các cán bộ trực ban sẽ dễ dàng xác minh nhanh thông tin. Một số trường hợp gọi báo cháy giả ngô nghê như: Đang cháy ở số 450 Nguyễn Phong Sắc (trong khi con phố này không tồn tại địa chỉ đó).

Cũng có chung “tình cảnh” với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 3, Thượng tá Lê Quốc Tuấn-Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 8 cho biết: bộ phận trực ban Phòng vẫn đôi khi nhận được các báo động giả. Tuy vậy, không phải ai cũng có dụng ý trêu đùa, một số trường hợp do người dân nhầm lẫn (đốt rác, phế liệu), hoặc hệ thống báo động tòa nhà có lỗi.

Điển hình như mới đây, khoảng 22 giờ tối 12/10, người dân tòa nhà CT5 – khu đô thị Xa La (Hà Đông) được phen hoảng hốt vì nghe tiếng chuông báo cháy. Nhiều người sống tại tòa nhà vội vàng lao xuống sân, xuống hầm di chuyển xe máy ra khu vực an toàn. Lực lượng Phòng cháy chữa cháy sở tại cùng xe cứu hỏa cũng được điều đến. Nhưng sau đó xác định là báo cháy giả.

Trước đó, ngày 20/9, tại tòa nhà HH4B – Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai) cũng xảy ra việc tương tự và cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cũng được điều đến. Nguyên nhân vụ việc được xác định là chuông báo cháy tự động kích hoạt.

Thượng tá Trần Quốc Thường - Phó phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 9 (quận Hà Đông) chia sẻ: Việc báo cháy giả không chỉ xảy ra tại tòa nhà CT5 mà đó là tình trạng lực lượng thường xuyên gặp phải.

Báo cháy giả có thể bị phạt tới 5 triệu đồng

Trao đổi với phóng viên, hầu hết các lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khu vực đều cho rằng gọi điện báo cháy giả là hành động không nên.

“Việc báo cháy giả không chỉ khiến người dân tòa nhà hay khu vực xung quanh bức xúc lo lắng mà còn khiến lực lượng chức năng Phòng cháy chữa cháy mất thời gian công sức,” Đại tá Trần Quốc Thường nhấn mạnh.

“Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, sau khi xác minh, Phòng cử xe xuống địa bàn để kiểm tra, xử lý thì mới phát hiện là báo cháy giả. Không tính đến sự lãng phí về thời gian, tiền của, đặt giả thiết trong một số tình huống cấp bách, cần huy động quân số tham gia chữa cháy lớn, thì việc làm trên mang đến hậu quả rất lớn,”​ một lãnh đạo Cánh sát Phòng cháy chữa cháy chia sẻ.

Theo quy định Pháp luật, đối với trường hợp báo cháy giả, người thực hiện hành vi sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng theo quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 40 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013.

Còn đối với trường hợp thiết bị thông tin báo cháy hỏng hoặc mất tác dụng, người nào không thay thế các thiết bị này sẽ bị Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định.

Do vậy, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân nên nâng cao ý thức, không nên gọi tới số máy 114 và số máy bàn của các Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy để trêu đùa, báo tin cháy giả dẫn đến nhiều hậu quả không hay cho bản thân và cho xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục