Moviemov: “Phát súng” đầu tiên của điện ảnh Italy ở Việt Nam

Nhằm khởi động hành trình “tiếp thị” phim Italy đến với khán giả Việt Nam, Liên hoan phim Ý Moviemov được ví như “phát súng” đầu tiên thu hút sự quan tâm của công chúng đến với điện ảnh Italy.
Moviemov: “Phát súng” đầu tiên của điện ảnh Italy ở Việt Nam ảnh 1Đạo diễn Ferzan Ozpetek, một trong những tài năng trẻ của điện ảnh Italy hiện đại. (Nguồn ảnh: Đại sứ quán Italy cung cấp)

Trong khi điện ảnh Pháp đã trở nên quen thuộc với công chúng Việt thông qua lịch chiếu khá đều đặn ở Trung tâm Văn hóa Pháp hay ở một số Liên hoan phim quốc tế tổ chức tại Việt Nam, thì niềm đam mê với điện ảnh Italy ​dường như chưa được "đánh thức."

Điều này có vẻ như là một nghịch lý bởi bộ môn nghệ thuật thứ bảy của Italy vẫn được biết đến như là một trong những trụ cột của điện ảnh châu Âu.

​Pháp-Italy luôn dẫn đầu về số giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, vượt xa các nền điện ảnh lớn khác, nhưng phần đông người dân mới chỉ biết đến Italy gắn với giá trị của những biểu tượng văn hóa, kiến trúc, thời trang, các vở opera kinh điển, hội họa, điêu khắc, ẩm thực, công nghiệp ôtô-xe máy… Tuy nhiên, sắp tới đây, câu chuyện được kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi…

“Phát súng” Moviemov

Vài năm qua, Trung tâm Văn hóa và Thương hiệu Ý - Casa Italia (18 Lê Phụng Hiểu) đã được dựng lên với mong muốn tái hiện không gian đậm chất Italy cho người dân đến tìm hiểu, song công chúng hầu như mới chỉ biết đến ẩm thực và một số chương trình thời trang, hội họa diễn ra tại đây.

Nhận thấy đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội, ngay sau khi sang Việt Nam nhận nhiệm kỳ một thời gian ngắn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Italy tại Việt Nam Cecilia Piccioni đã đã nhanh chóng tạo điều kiện và thúc đẩy khởi động Liên hoan phim Ý Moviemov (tổ chức lần thứ 5 trên thế giới và lần đầu ở Việt Nam), từ 21-26/7, tại Hà Nội.

“Chúng tôi mong muốn mang điện ảnh Italy nói riêng và văn hóa Italy nói chung đến gần với Việt Nam hơn nữa trong thời gian tới. Ý tưởng của chúng tôi là muốn Casa Italia trở thành một quảng trường Italy tiêu biểu, thậm chí như một không gian phục hưng về những di sản của Italy, trong đó có điện ảnh để công chúng có thể đến giao lưu và tìm hiểu về văn hóa Italy. Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành sửa chữa, mở rộng một số không gian trong Casa Italia và tương lai Casa Italia sẽ có thể có không gian dành cho điện ảnh,” bà Đại sứ Cecilia Piccioni chia sẻ với phóng viên VietnamPlus khi được hỏi về dự định sau khi liên hoan Moviemov kết thúc.

Có thể thấy, đây là một trong những nỗ lực của Đại sứ quán cũng như cá nhân bà Cecilia Piccioni nhằm khởi động hành trình “tiếp thị” phim Italy đến với khán giả Việt Nam. Moviemov được ví như “phát súng” đầu tiên thu hút sự quan tâm của công chúng yêu điện ảnh, để rồi sau đó nền điện ảnh này được kỳ vọng giống như mạch nước ngầm tinh khiết, "len lỏi" vào đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Trước đó, Liên hoan film Ý Moviemov là sự kiện công chiếu lưu động ra đời năm 2010, do Hiệp hội văn hóa PlayTown Roma khởi xướng, nhằm xây dựng nền tảng cho việc xúc tiến văn hóa và thương mại của nền điện ảnh Italy thế hệ mới ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường đang bùng nổ của châu Á với nhiều cơ hội và tiềm năng. Sáng kiến này, năm 2011 đã được mang tới Bankok và Manila, sau đó đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Moviemov: “Phát súng” đầu tiên của điện ảnh Italy ở Việt Nam ảnh 2 Valeria Solarino, diễn viên trẻ tài năng của Italy sẽ chủ trì Liên hoan phim Ý Moviemov 2015 tại Việt Nam. (Nguồn ảnh: Đại sứ quán Italy)

Điện ảnh Italy - Chặng đường hơn 1 thế kỷ

Ngành công nghiệp điện ảnh Italy thực sự hình thành trong khoảng thời gian từ năm 1903-1908 với ba hãng phim lớn là Cines, Ambrosio và Itala Film. Trong giai đoạn sơ khai ấy, nền điện ảnh này ghi dấu ấn với các bộ phim lịch sử (tác phẩm đầu tiên là “La presa di Roma, 20 settembre 1870” do Filoteo Alberini đạo diễn, 1905). Tiếp đó, “Bạo chúa Nero,” “Julius Caesar” “Cleopatra” được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

“Gli ultimi giorni di Pompei” (Ngày cuối cùng của Pompei, 1908) của Arturo Ambrosio, nổi tiếng tới mức chỉ sau đó 5 năm đã được đạo diễn Mario Caserini làm lại một phiên bản khác.

Sự thành công của các bộ phim điện ảnh cũng mang đến cơ hội tỏa sáng cho các nữ diễn viên ngôi sao đầu tiên như Lyda Borelli, Francesca Bertini và Pina Menichelli (trong đó Francesca Bertini được biết đến như một trong những diễn viên đầu tiên bán khỏa thân trên phim).

Song hành cùng lịch sử, điện ảnh Italy sau đó trải qua nhiều xu hướng: Chủ nghĩa hiện thực mới; Trào lưu hiện thực mới hồng và phim hài (chính trong giai đoạn này, “La dolce vita” sản xuất năm 1960 của FedericoFellini trở thành một trong những bộ phim Italy xuất sắc nhất thế kỷ, đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1960. Trong đó có trường đoạn nổi tiếng, miêu tả cảnh hai nhân vật chính Sylvia và Marcello tình tứ với nhau bên đài phun nước Trevi đẹp nhất Roma. Để rồi sau bộ phim, nữ diễn viên Anita Ekberg đã trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của điện ảnh thế giới và được người Italy tôn vinh là biểu tượng của Trevi); Phim miền Tây kiểu Italy; Thể loại phim kinh dị - Giallo.

Sau nhiều năm phát triển cao trào, điện ảnh Italy rơi vào cuộc khủng hoảng ở thập niên 1980, rất ít các bộ phim có tính nghệ thuật cao được như “The Last Emperor” (Hoàng đế cuối cùng) của đạo diễn Bernardo Bertolucci, bộ phim giành Giải Oscar Phim hay nhất cùng 8 giải Oscar khác.

Phải đến cuối những năm 1980, một thế hệ đạo diễn mới xuất hiện, đã làm hồi sinh điện ảnh Italy với bộ phim gây tiếng vang “Nuovo Cinema Paradiso” (Rạp chiếu bóng Thiên đường, 1988) của Giuseppe Tornatore, chiến thắng hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại lễ trao Giải Oscar 1990.

Cũng tại hạng mục này, điện ảnh Italy còn hai lần chiến thắng khác vào thập niên 1990 với “Mediterraneo” (1991) của Gabriele Salvatores và “La vita è bella” (Cuộc sống tươi đẹp, 1998) của Roberto Benigni. Benigni cũng là người Italy đầu tiên giành tới 3 giải Oscar trong một năm với các giải Vai nam chính, Phim nói tiếng nước ngoài và Nhạc phim.

“La vita è bella” của Roberto Benigni thực sự là bài ca về tình yêu cuộc sống, bài ca về tinh thần lạc quan đến cùng của con người, dẫu có bị đẩy đến ngưỡng cửa cái chết vẫn nhìn cuộc sống đầy nhân văn, trong sáng và tìm thấy niềm vui từ nơi tăm tối nhất.

Với chặng đường dài được tôn vinh và ghi nhận bằng những giải thưởng danh giá, có lẽ đã đến lúc khán giả Việt Nam cần có cơ hội tiếp xúc với một nền điện ảnh thực thụ như của Italy và thưởng thức những giá trị tinh thần, giá trị thẩm mỹ mà những bộ phim này mang lại, dẫu muộn còn hơn không../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục