Mưa lũ tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại tại các địa phương

Tại xã Cư Yang (huyện Ea Kar, Đắk Lắk), sáng 3/11, anh Đào Văn Hòa, ở thôn 7, trong lúc đi đánh cá ở suối Cư Yang do mưa lớn, nước suối chảy xiết, chiếc thuyền bị lật úp khiến anh Hòa tử vong.
Mưa lũ tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại tại các địa phương ảnh 1Hàng nghìn nhà dân ở huyện Tuy An và Đồng Xuân bị ngập. (Ảnh: Thế Lập/Vietnam+)

Mưa lớn vẫn đang tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại tại các địa phương như Đắk Lắk, Phú Yên, Bình Thuận.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng cảnh báo lũ khẩn cấp, nguy cơ cao ngập lụt nghiêm trọng vùng hạ lưu sông Ba (Phú Yên).

Đắk Lắk: Mưa lớn gây ngập lụt cục bộ nhiều nơi, 1 người tử vong

 Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong 2 ngày 2-3/11, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục xuất hiện mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 80-100mm khiến mực nước các sông, suối lên nhanh gây lụt cục bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân các huyện vùng sâu Krông Bông, Ea Kar, M’Đrắk…

Tại xã Cư Yang (huyện Ea Kar), sáng 3/11, anh Đào Văn Hòa, 26 tuổi, ở thôn 7, trong lúc đi đánh cá ở suối Cư Yang do mưa lớn, nước suối chảy xiết, chiếc thuyền bị lật úp khiến anh Hòa tử vong.

Tại huyện vùng sâu Krông Bông mưa lớn kéo dài khiến gần 500 ha cây trồng chủ yếu là ngô lai, khoai, mỳ bị ngập nặng; 141 nhà dân xã Khuê Ngọc Điền bị ngập buộc phải di dời; 2 cầu dân sinh thôn 8 và 9 xã Hòa Sơn bị nước lũ cuốn trôi; tuyến đường cứu hộ, cứu nạn Hòa Phong, đoạn qua địa bàn buôn Ngô A, xã Hòa Phong bị nước lũ cuốn trôi 5m khiến giao thông ở 2 xã Hòa Phong và Cư Pui bị chia cắt.

Tại huyện vùng sâu M’Đrắk mưa lớn khiến nhiều tuyến đường giao thông ở các xã Cư San, Ea Riêng, Krông Jin, Cư Prao bị ngập cục bộ, gây ách tắc giao thông. Ủy ban nhân dân huyện M’Đrắk cũng dã di dời 4 hộ dân sống ở sườn đồi có nguy cơ bị sạt lở, cô lập đến nơi an toàn.

Các hồ thủy điện lớn như Hồ Buôn Tua Srah hiện tại đạt 85% dung tích thiết kế, hồ Buôn Kuốp đạt 50% dung tích thiết kế, hồ Sêrêpôk 3 đạt 80% dung tích thiết kế.

Đến chiều 3/11, mưa lớn vẫn diễn ra trên diện rộng tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện trực, sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ đang được tỉnh khẩn trương triển khai.

Mưa lũ tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại tại các địa phương ảnh 2Tuyến đường Hùng Vương, thành phố Quy Nhơn đã bị ngập từ 0,4-0,8m. Ảnh: Viết Ý-TTXVN

Bình Định: Khẩn trương di dời 217 hộ dân vùng bị ngập sâu đến nơi an toàn

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, mưa lớn trên địa bàn tỉnh từ ngày 30/10 đến ngày 3/11 đã gây nhiều thiệt hại ở các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, An Nhơn, thành phố Quy Nhơn. Mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 26 nhà sập, 21 nhà tốc mái, 1.450 nhà bị ngập nước, 217 hộ dân đang được di dời khỏi vùng bị ngập sâu, 230 hộ bị cô lập.

Thiên tai còn làm 2 cống trên đường ĐT 637 bị sạt lở; 14 km đường giao thông nông thôn bị sạt lở; 17 điểm bị ngập, 18 cống tiêu và 6 cầu nhỏ bị hư hỏng; 30m kè và 7,7 km kênh mương bị sạt lở; 330 m bờ sông bị sạt lở, 11 đập dâng nhỏ bị hư hỏng,128 đập tạm, đập bổi bị cuốn trôi; 1.608 ha lúa mùa, 148 ha màu bị ngập, 350 ha cây ăn quả hư hỏng, 3.500 con gia cầm, 56 con gia súc bị chết, cuốn trôi... Một số khu dân cư ở Quy Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước bị ngập nước người dân phải di dời.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã trực tiếp xuống các địa phương và chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng khẩn trương di dời 217 hộ dân vùng bị ngập sâu nguy hiểm đưa lên nơi an toàn; tăng cường theo dõi và kiểm tra các phương án "4 tại chỗ" ứng phó với thiên tai .

Trên địa bàn tỉnh Bình Định, mực nước lúc 13 giờ ngày 3/11 trên sông Kôn tại Vĩnh Sơn là 71,52m trên báo động I là 0,52m, tại Bình Nghi 16,52m, xấp xỉ báo động II, tại Thạnh Hòa là 8,25m, trên báo động III là 0,25m; trên sông Hà Thanh tại Vân Canh là 43,10m, trên báo động I là 0,60m...

Ngoài ra hiện nay thủy triều đang lên sẽ làm cho việc thoát lũ ở hạ lưu các con sông rất chậm. Dung tích các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Định là 318,17 triệu/577 triệu m3, đạt 55 % dung tích thiết kế, bằng 187% so với cùng kỳ năm 2015; không kể hồ Định Bình, các hồ chứa đã đạt 179,38/352 triệu m3, đạt 51% thiết kế, 221% so với cùng kỳ năm 2015.

Mưa lũ tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại tại các địa phương ảnh 3Do hệ thống giao thông bị chia cắt, người dân phải lội khi qua địa bàn xã An Định, huyện Tuy An, Phú Yên. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Phú Yên: Phối hợp tìm kiếm và ứng cứu 4 ngư dân bị trôi dạt trên cửa biển

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, chiều 3/11, đơn vị đã thông báo khẩn đến lực lượng Biên phòng tỉnh tổ chức ứng cứu tàu cá số hiệu PY 90151 cùng 4 ngư dân trong quá trình sơ tán, tránh trú bão thì gặp nạn, trôi dạt trên vùng cửa biển Đà Rằng (phường 6, thành phố Tuy Hoà, Phú Yên).

Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân tàu gặp nạn là do trong quá trình neo đậu, neo tàu bị đứt. Thời điểm gặp nạn, trên tàu cá có 4 người.

Ông Phan Quang Dũng (ở phường 6, thành phố Tuy Hoà) - một ngư dân chứng kiến sự việc cho biết, khoảng hơn 13 giờ ngày 3/11, ông thấy một chiếc thuyền từ trong cảng cá trôi hướng cửa biển. Đến 13 giờ 30 cùng ngày, sóng to gió lớn nên người dân địa phương không còn nhìn thấy chiếc thuyền nữa.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết đỉnh thủy triều sẽ lên vào 19h30 ngày 3/11. Vì vậy, tỉnh đang điều động tàu và các phương án ứng cứu kịp thời tàu cá bị nạn.

Trong chiều 3/11 tại vùng biển Phú Yên có gió to sóng lớn nên việc cứu hộ gặp trở ngại. Hiện Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn, lực lượng Biên phòng tỉnh đang phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng ứng cứu tàu cá cùng ngư dân gặp nạn.

Đến 13 giờ 15 phút ngày 3/11, nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ tại Phú Yên đã tăng lưu lượng xả lũ (kể cả 400 m3 nước chạy máy phát điện) lên 10.400 m3/giây; hồ chứa nước Phú Xuân đã vận hành điều tiết xả lũ 2 cửa tràn với lưu lượng xả 514 m3/giây và hồ chứa nước Đồng Tròn điều tiết xả lũ một cửa tràn với lưu lượng 271 m3/giây...

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Phú Yên, trong 24 giờ tới mực nước các sông tiếp tục dâng, đạt hoặc trên mức báo động 3 từ 2 đến 3m. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ lụt là cấp 1.

Để phòng tránh lũ, ngập lụt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, thực hiện phương châm “ 4 tại chỗ”; tăng cường kiểm tra, rà soát những khu vực thường xảy ra thiên tai, vùng trọng điểm, xung yếu, sạt lở đất, triều cường, vùng ven sông biển, vùng có khả năng bị ngập sâu và các công trình thủy lợi; bố trí lực lượng ở vùng ngập sâu, nước chảy xiết để bảo vệ người dân. Cơ quan chức năng nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng ngập sâu, nước chảy xiết hoặc vớt củi trên các sông suối...

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Phú Yên chỉ đạo đơn vị quản lý, vận hành các nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông H’năng, Công ty thủy nông Đồng Cam và Ủy ban Nhân dân các huyện bố trí người bảo vệ công trình, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện xả nước, đón lũ các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; kiểm tra phương án sơ tán dân vùng hạ du khi xả lũ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục