Mưa rét gây thiệt hại lớn cho vùng cao, gia súc chết hàng loạt

Rét đậm, rét hại ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân, trong đó tình trạng hoa màu mất trắng và gia súc chết hàng loạt xảy ra ở nhiều nơi.
Mưa rét gây thiệt hại lớn cho vùng cao, gia súc chết hàng loạt ảnh 1Người dân bản Tò Lọ, xã Chiềng Đen, thành Phố Sơn La, căng bạt che kín chuồng trại chống rét cho gia súc. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Do ảnh hưởng của đợt gió mùa Đông Bắc có cường độ rất mạnh, từ ngày 24-26/1, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có mưa, mưa vừa kèm theo rét đậm, rét hại, nhiều vùng núi cao thuộc các huyện Tủa Chùa, Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên Đông xuất hiện băng giá.

Theo thống kê, hậu quả của đợt rét này đã làm 286 con trâu bò và 2 con dê trên địa bàn tỉnh Điện Biên bị chết. Thiệt hại nặng nhất là huyện Tủa Chùa chết 96 con, Điện Biên Đông chết 94 con, Mường Ảng chết 44 con và Tuần Giáo chết 40 con.

Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành các công điện khẩn, chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại.

Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên, liên tục đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố theo dõi các bản tin để nắm bắt tình hình thiên tai.

Đồng thời, thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống cơ sở để nắm bắt tình hình, vận động nhân dân tiến hành các biện pháp chống rét cho người, vật nuôi và cây trồng trên địa bàn.

Tại tỉnh Sơn La, theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại đã có 367 con gia súc bị chết rét, trong đó tập trung chủ yếu tại các huyện Phù Yên, Sốp Cộp, Bắc Yên, Mai Sơn.

Trước tình hình rét đậm, rét hại ngày càng gia tăng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La đã thành lập 3 đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống rét hại, băng giá tại một số địa bàn trọng điểm, đồng thời tăng cường việc hướng dẫn người dân cách chế biến thức ăn và sưởi ấm cho gia súc.

Rét hại và băng tuyết cũng đã gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân tại các huyện Mộc Châu và Vân Hồ, Thuận Châu, hàng trăm ha rau màu của người dân nơi đây như bắp cải, su su, su hào; các loại cây ăn quả như mận hậu, cam trong những ngày qua đã bị tuyết phủ trắng và có nguy cơ mất trắng cao.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, tổng thiệt hại do mưa tuyết gây ra tại Lào Cai đến thời điểm 16 giờ ngày 26/1 là hơn 32 tỷ đồng.

Trên địa bàn, đã có 354 con trâu bò bị chết rét; trong đó nhiều nhất là huyện Sa Pa với 131 con, tiếp đến là huyện Văn Bàn với 86 con. Rau màu, hoa, cây dược liệu các loại bị ảnh hưởng do tuyết che phủ là 4.473ha; trong đó, thảo quả ước khoảng 3.600ha. Huyện Sa Pa chịu thiệt hại nặng nề nhất với 1.300ha.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố đến 16 giờ ngày 26/1/2016 đã có 58 xã, thị trấn thuộc 7/9 huyện, thành phố bị mưa tuyết che phủ với độ dày trung bình từ 5 đến 8cm, thời gian kéo dài, phạm vi rộng.

Đây là hiện tượng thời tiết chưa bao giờ xảy ra tại thành phố Lào Cai và các huyện như Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát vì vậy mưa tuyết đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Tuyển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, cho biết Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã ban hành công văn chỉ đạo và triển khai cử các đoàn công tác xuống các xã, thôn bản để tổ chức chỉ đạo phòng, chống rét.

Các huyện di chuyển được 1.784 con gia súc đi tránh rét. Các huyện còn lại đã chủ động hướng dẫn người dân che chắn chuồng trại và nuôi nhốt tại chuồng và thực hiện các biện pháp sưởi ấm cho gia súc.

Theo dự báo của đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, từ ngày 27/1, bên cạnh mưa tuyết, nhiều khả năng các huyện vùng cao sẽ xuất hiện sương muối gây hại về sức khỏe của người và thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng, tính đến chiều 26/1, cả tỉnh đã có 342 con gia súc bị chết vì rét; trong đó, có 239 con trâu và hơn 100 con bò. Số gia súc chết nhiều tập trung tại vùng núi cao của các huyện có nhiệt độ xuống thấp như Hạ Lang, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Thạch An.

Ngoài thiệt hại về gia súc, mưa tuyết và băng giá cũng gây hại cho nhiều diện tích rau màu và thuốc ở các huyện Nguyên Bình, Hòa An; gây hại cho vùng quýt đặc sản ở huyện Trà Lĩnh. Mưa tuyết đã làm sập Trạm y tế xã Thanh Long, huyện Thông Nông và gây hư hại một số ngôi nhà dân.

Ông Nguyễn Sinh Cung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Bằng, cho biết với tình hình mưa rét kéo dài như hiện nay, tình hình thiệt hại gia úc còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Thông thường, sau những đợt rét kéo dài, đến khi năng ấm trở lại, gia súc thường bị chướng bụng và chết.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho đàn gia súc, ngoài việc thực hiện các biện pháp quây bạt chuồng trại, bổ xung thức ăn tinh, nấu cháo cho gia súc, nhiều hộ gia đình còn đun nước nóng cho trâu bò uống, đốt lửa sưởi ấm, mặc áo ấm cho trâu bò. Những biện pháp tích cực này cũng đã phát huy kết quả tốt và cần được nhân rộng.

Hiện tại, mưa vẫn tiếp tục rơi trên diện rộng tại tỉnh Cao Bằng, những vùng núi cao vẫn có tuyết rơi, riêng ở xã Thành Công, huyện Nguyên Bình tuyết đã rơi dầy 20-30cm.

Tại Thái Nguyên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến 16 giờ ngày 26/1, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 16 con trâu, bò và 8 con dê bị chết do rét.

Số gia súc bị chết tập trung tại các xã miền núi, vùng cao của huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương và Định Hóa; trong đó, huyện Đồng Hỷ có số trâu chết nhiều nhất với số lượng 7 con trâu, huyện Định Hóa có 4 con trâu, 1 con bò và 8 con dê.

Trước tình hình trên, tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các địa phương, đặc biệt là các xã miền núi, vùng cao tập trung mọi biện pháp để chống đói, rét cho đàn gia súc như: đảm bảo kín gió, tránh mưa tạt gió lùa, dùng hệ thống bạt, nilon che chắn xung quanh chuồng, thường xuyên giữ nền chuồng khô ráo sạch sẽ, có thể sử dụng bóng điện hay đốt lửa sưởi cho vật nuôi trong chuồng nuôi bằng trấu, mùn cưa, than củi.

Đối với những gia súc lớn như trâu, bò, dê… có thể sử dụng các loại chăn cũ, bao tải, bạt… may áo giữ ấm cho gia súc và đặc biệt là không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp…

Tại tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 23/1, đến nay trên địa bàn do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, trời rét hại, nhiệt độ thấp nhất trong ngày dao động từ 5 đến 6 độ C. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Điển hình, tại một số xã của huyện Hương Khê và Kỳ Anh đã có 4 con nghé bị chết do rét.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm rét hại gây ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, theo dõi, bám sát đồng ruộng, cân đối cụ thể nguồn giống, chủ động trích ngân sách và liên hệ, hợp đồng với các đơn vị cung ứng giống, tuyệt đối không được để thiếu giống; có kế hoạch chuẩn bị giống ngắn ngày dự phòng trong điều kiện rét đậm, rét hại kéo dài gây chết mạ, lúa gieo thẳng.

Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi như: trên mạ luôn duy trì độ ẩm thích hợp, tuyệt đối không bón thúc phân đạm trước khi cấy và xuống cấy những ngày giúa rét nhiệt độ dưới 15 độ C. Đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ làm đất và tu sửa hệ thống thủy lợi nội đồng...

Đối với chăn nuôi, áp dụng các biện pháp làm ấm như che chắn giữ ấm chuồng trại và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi; chuẩn bị hệ thống sưởi ấm bằng bóng điện hoặc bố trí chổ đốt củi sưởi cho đàn vật nuôi, làm áo khoác giữ ấm trong những ngày rét đậm, rét hại.

Đặc biệt, không thả rông trâu, bò dưới 13 độ C, cho uống thêm nước ấm, không để đàn vật nuôi bị đói; kiểm tra giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi, đề phòng dịch bệnh có thể xẩy ra để có biện pháp xử lý kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục