Mưa to diện rộng gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh ở Bắc bộ

Nhiều điểm thuộc vùng núi phía Bắc do mưa lớn kéo dài khiến đất đá bị sũng nước và có nguy cơ cao sạt lở đất, trong khi vùng trũng thấp, nước dồn về gây ngập úng cục bộ.
Mưa to diện rộng gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh ở Bắc bộ ảnh 1Thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên tiếp tục bị ngập úng do mưa lũ. (Nguồn: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Ngày 2/8, mưa lũ tại các tỉnh Bắc bộ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều điểm thuộc vùng núi phía Bắc do mưa lớn kéo dài khiến đất đá bị sũng nước và có nguy cơ cao sạt lở đất. Ở vùng trũng thấp, nước dồn về gây ngập úng cục bộ.

Tại Quảng Ninh, mưa lớn kéo dài khiến 500 nhà dân ở khu vực trung tâm thành phố Uông Bí ngập sâu trong nước. Lũ tràn cao qua các đập, ngầm ở xã Thượng Yên Công của thành phố Uông Bí khiến xã này bị cô lập.

Thành phố Uông Bí đã huy động trên 50 chiến sỹ lực lượng bộ đội và công an cùng các lực lượng của phường Vàng Danh, xã Thượng Yên Công và Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử tổ chức kiểm soát, cắm các biển báo hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết...Thành phố Uông Bí hỗ trợ giúp 10 hộ dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tại tỉnh Điện Biên, sau khi gây thiệt hại nặng ở huyện Tuần Giáo, ngày 2/8, mưa lũ tiếp tục gây ngập úng, cuốn trôi nhiều công trình dân sinh và ao cá, hoa màu của thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Trên các tuyến phố trong lòng thành phố Điện Biên Phủ, nước dâng cao gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ. Đặc biệt là 2 tuyến đường trục chính của thành phố là đường Võ Nguyên Giáp và đường Trường Chinh, nước dâng cao tới 0,5m, khiến các loại phương tiện giao thông qua khu vực này bị ngập và chết máy.

Trên địa bàn huyện Điện Biên, mưa lớn khiến các con sông, suối dâng lũ lên cao, cuốn trôi cầu bê tông bản Ló trên trục đường huyết mạch liên xã Thanh Luông và Thanh Hưng. Tại địa bàn xã Na Ư, đã có nhiều cột điện hạ thế bị đổ. Tuyến đường 279 từ cửa khẩu Tây Trang đến hết địa phận huyện Tuần Giáo đã có nhiều điểm bị sạt lở. Đặc biệt là tại km 112 từ thành phố Điện Biên Phủ đi cửa khẩu Tây Trang đã bị sạt lở nghiêm trọng, ách tắc giao thông.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, ngày 2/8, lượng mưa trên địa bàn giảm đáng kể, chỉ tập trung ở một số nơi, cao nhất là huyện Mường Tè với lượng mưa đo được là 71mm, các nơi khác mưa nhỏ và không mưa. Tuy vậy, do mưa kéo dài nhiều ngày đã gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng, tài sản của nhân dân, nhất là tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn và Phong Thổ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu tích cực chỉ đạo các sở, ngành, các đơn vị có liên quan chủ động ứng phó với tình hình mưa dông, lũ quét, sạt lở đất, chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ," khắc phục thiên tai do mưa lũ gây ra.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, từ đêm 1/8 đến ngày 2/8, xuất hiện mưa to đến rất to diện rộng. Tại huyện Sa Pa đã xảy ra lũ quét cục bộ, sạt lở đất đá, nhiều điểm đường giao thông nông thôn tại các thôn bản bị sạt lở.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thường trực Ban Phòng chống bão lũ - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai: Trong hai ngày 1 đến 2/8, tỉnh Lào Cai đã di chuyển gấp 36 hộ trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Do ảnh hưởng mưa lớn, nước các con sông, suối, khe lạch dâng cao rất nhanh, tỉnh Lào Cai quyết liệt chỉ đạo các địa phương kiểm tra đôn đốc bà con sống dọc hai bên sông, suối hạn chế qua lại và không được ra sông vớt củi đề phòng lũ ống, lũ quét cuốn trôi.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang liên tiếp có mưa trên diện rộng, một số nơi xuất hiện mưa to và rất to. Mưa lũ đã làm ngập úng gần 400 ha lúa và hoa màu; nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị sạt lở ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh còn có 15 công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hại. Tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương di chuyển các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở đến nơi ở mới an toàn; đồng thời, huy động tối đa phương tiện thu dọn đất, đá tại các điểm sạt lở ở các tuyến đường để đảm bảo cho việc đi lại của người dân.

Tại Hà Nội, mưa to, kéo dài từ trưa 1/8 tới ngày 2/8 mặc dù không gây ra tình trạng ngập úng lớn nhưng cũng làm xuất hiện nhiều điểm úng ngập cục bộ trên địa bàn, gây khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Để chủ động phòng chống úng ngập do ảnh hưởng của đợt mưa, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội đã bố trí lực lượng xung kích trực 24/24 giờ sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu. Công ty phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu có công trình thi công trên hệ thống thoát nước để thanh thải dòng chảy, hạn chế ngập úng.

Tại Hải Dương, trận mưa lớn ngày 2/8 đã khiến một số tuyến đường ở thành phố Hải Dương ngập nặng. Tại các tuyến đường như Nguyễn Lương Bằng, Chương Mỹ, Ngô Quyền, Nguyễn Thị Duệ, Quan Thánh, Nguyễn Quý Tân, Hoàng Diệu …nhiều đoạn ngập sâu từ 5 đến 10 cm khiến việc lưu thông khá khó khăn. Các hồ điều hòa và kênh thực hiện nhiệm vụ tiêu, thoát nước như hồ Bạch Đằng, sông Sặt, kênh T2 nước đã lên cao chỉ còn cách mặt kè khoảng trên 15cm. Công ty Quản lý công trình đô thị Hải Dương đã cử công nhân ứng trực, khơi thông dòng chảy, hệ thống cống thoát nước, cắm biển báo tại các điểm ngập sâu...

Tại tỉnh Bắc Giang, ngày 2/8 mưa vừa, mưa to vẫn diễn ra, gây nhiều thiệt hại cho người dân. Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang, tính đến cuối buổi sáng 2/8, trên địa bàn tỉnh có 648 ha lúa, hoa mầu bị ngập úng, tập trung tại các huyện Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam. Tỉnh Bắc Giang đã huy động hết công suất 160 tổ máy của các trạm bơm để bơm tiêu chống úng ngập; xem xét hỗ trợ lúa giống cho các huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng. Các huyện miền núi Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, Lục Nam triển khai phương án di dời các hộ dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Tại Thái Bình, mưa kéo dài gây ngập lụt các khu đô thị, các vùng trũng thấp của tỉnh và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, do mưa lớn khiến một số diện tích lúa mùa tại các huyện như Kiến Xương, Tiền Hải đã bị ngập, cây lúa có hiện tượng bị thối. Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đã tập trung chỉ đạo các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn chủ động các phương án phòng chống mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ". Ngành Thủy lợi cũng đã chỉ đạo xí nghiệp thủy nông các huyện, thành phố có phương án điều tiết nước trên các sông, đảm bảo an toàn cho lúa, hoa màu, đặc biệt vùng lúa gieo sạ, lúa mới cấy.

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai: Ngày 1/8, tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang và Sơn La, mưa lũ đã làm 3 người chết (Lai Châu 2 người; Sơn La 1 người); 4 người bị thương ở Điện Biên.

Mưa lũ đã làm hơn 200 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, tốc mái, ngập nước; gần 2.500 ha lúa và 680 ha hoa màu bị ngập, thiệt hại; trên 11.500 con gia súc, súc cầm bị chết; gần 11.000m kênh mương và 6 hồ chứa, đập bị thiệt hại, 64 công trình thủy lợi nhỏ bị sập, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở với tổng khối lượng 120.500m3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục