Xuân về mừng thọ

Mừng thọ - Nét đẹp văn hóa Việt mỗi độ Xuân về

Khi người già có mặt trong nhà thì con cháu thấy đó là phúc đức lớn và ngày xuân Tết đến, cả gia đình vui mừng mừng thọ báo hiếu.
Mừng thọ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta bởi nó thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên...

Tuổi cao - Phúc lộc trời cho

Người ta có thể nhận được rất nhiều quyền lợi do con người mang lại nhưng được sống lâu trăm tuổi, thì không thể cắt nghĩa được vì sao.

Trong tâm thức dân gian, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có được một cái phúc lớn, có phúc nên mới được sống lâu, mới có con cháu đề huề. Mừng thọ cũng chính là mừng cái phúc ấy.

Theo giai thoại thì đầu thế kỷ 20, cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến làm quan đến Tổng đốc, tuổi cổ lai hy, về làng còn lạy sụp một cụ già nông dân trên 80 tuổi.

Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến lý giải: "Chức tước thì vua chúa có thể ban được nhưng tuổi tác chỉ có trời cho".

Ngày xưa, người bốn mươi tuổi đã được trong làng, trong họ quý như lão ông. Trong làng, 50 tuổi đã được làm lễ lên lão. Dẫu không phải các nhà chức sắc trong làng, nhưng những dịp hội hè đình đám, các cụ lão ra chốn đình trung ngồi riêng cỗ trên chiếu cạp điều. Phong tục trọng lão ấy đến bây giờ vẫn được gìn giữ.

Ngày nay, trong gia đình khi có ông bà, cha mẹ ở tuổi 70, 80, 90... thì con cháu thường tổ chức mừng thọ. Lễ mừng thọ thường nhằm dịp sinh nhật hoặc ngày xuân-dịp Tết Nguyên đán. Đây là dịp con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ.

Lễ tổ chức to hay nhỏ đều thể hiện được niềm vui của gia đình vì có người sống thọ.

Mỗi xã, mỗi phường ngày nay hầu hết có Hội thọ của các cụ cao tuổi. Khi các cụ bảy, tám mươi tuổi được Hội thọ đến chúc mừng, chụp ảnh, tặng quà lưu niệm.

Những dịp như thế này mang lại cho các cụ tình cảm ấm áp của thế hệ cháu con, của phố phường, làng xã mà không cảm thấy cô đơn khi tuổi già, sức yếu lúc cuối đời.

Hiếu thảo được xem như là một đặc tính luân lý của người Việt Nam vì mọi người đều bày tỏ lòng hiếu thảo của mình hằng ngày qua hành động và tưởng nghĩ.

Con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ đều chú tâm phụng dưỡng lúc còn sống, trong tuổi già và nhớ lo cúng giỗ khi các cụ qua đời.

Lòng hiếu thảo không căn cứ nơi giá trị của vật chất hay số lượng của thức uống, miếng ăn mà đặt trên nền tảng của lòng tưởng nhớ hàng ngày, sự chăm lo hàng bữa nơi con cháu.

Nhà nghiên cứu Phan Kế Bính đã viết trong cuốn Việt Nam phong tục: "Ta đọc sách Thánh hiền, lấy sự hiếu với cha mẹ là mối luân thường rất lớn, làm đầu trăm nết hay của người. Mà nhất là ta hay lấy chuyện Nhị Thập Tứ Hiếu làm phương châm cho đạo làm con".

Nghi thức nhân văn

Trong cách phụng dưỡng cha mẹ già ngày xưa có việc mừng sinh nhật và ăn mừng thượng thọ.

Trong ngày sinh nhật của cha hoặc mẹ, con cái làm tế lễ cha mẹ, rồi bày ra một tiệc ăn mừng có mời những người thân đến tham dự. Những gia đình nào có cha mẹ già đến 70-80 tuổi mà nhà sung túc về tiền của lẫn con cháu, thì làm lễ mừng thọ cho cha mẹ gọi là lễ "Thượng thọ".

Lễ "Thượng thọ" có thể bắt đầu từ lúc 60 tuổi gọi là thượng thọ lục tuần, lúc 70 tuổi là thượng thọ thất tuần, lúc 80 tuổi là thượng thọ bát tuần, 90 tuổi là thượng thọ cửu tuần và tròn 100 tuổi thì ăn mừng lớn - gọi là bách tuế hay bách niên chi lão.

Khả năng tổ chức mừng thọ cũng tùy hoàn cảnh chứ không có quy định bó buộc.

Những gia đình có điều kiện có thể làm lễ tế sống. Ông bà cha mẹ được mời ngồi chính giữa, cho con cháu đến chúc mừng dâng rượu. Câu đối, trướng treo khắp nhà. Con cháu tổ chức liên hoan ăn uống, cỗ bàn phải có bánh chưng, rượu thịt.

Nếu làm lễ tế sống thì tổ chức ở đình làng, gọi là bái tạ thần hưu, có nghĩa là tạ ơn thánh thần đã phù hộ cho cha mẹ sống lâu.

Lễ tế có người xưng lễ, chúc rượu, con cháu theo thứ tự lễ bái lạy. Chỉ lạy hai lạy, chứ không lạy bốn lạy như người đã khuất.

Con cháu mỗi người dâng chén rượu mừng thọ, hoặc là dâng quả đào, gọi là bàn đào chúc thọ. Việc này do điển tích bà Tây Vương Mẫu ngày xưa hiến vua Hán Vũ Đế mấy quả đào tiên, có nói rằng ăn quả đào ấy thì được trường thọ.

Ngày nay, hình thức có thay đổi ít nhiều, nhưng thường là con cháu mua nhiều tặng vật mừng cha mẹ, gọi là đồ dưỡng già như là chăn, áo ấm... và tổ chức tiệc ăn mừng trọng thể tại nhà hàng hoặc tại nhà có mời đông đảo những thân bằng quyến thuộc của gia đình đến dự.

Trân trọng người cao tuổi còn là trân trọng kho kinh nghiệm sống được tích lũy qua bao năm tháng.

Người được mừng thọ không phải là người có chức tước, quyền lợi gì mà chỉ là người được hưởng tuổi "Trời cho", được cái đặc ân mà người xưa thường gọi là “Thiên tước”.

Khi người già có mặt trong nhà thì con cháu thấy đó là cái phúc đức, là một kho kinh nghiệm sống để lưu truyền lại. Việc tổ chức mừng thọ là báo hiếu, là mừng cha mẹ, ông bà còn sống để mình bày tỏ sự biết ơn cha mẹ đã nuôi mình khôn lớn.

Gia đình có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Chính vì vậy, việc tổ chức mừng thọ là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng. Các cụ được quan tâm sẽ phấn khởi vì thấy rằng đã cổ lai hy vẫn không bị đối xử lạnh nhạt.

Mừng thọ cũng là cách giáo dục, răn dạy con cháu bổn phận ăn ở có trước có sau với người đời, với xã hội./.
Phương Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục