Mười sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán năm 2016

Năm 2016, chứng khoán Việt Nam trải qua không ít biến động khi gặp phải những cú sốc từ bên ngoài. Nhìn lại một chặng đường, Câu lạc bộ các nhà báo chứng khoán đã tổ chức bình chọn 10 sự kiện nổi bật
Dấu ấn 20 năm ngành Chứng khoán
Ngày 28/11, ngành chứng khoán Việt Nam cùng đón nhận lễ kỷ niệm 20 năm ra đời.Vượt qua không ít khó khăn, thăng trầm thị trường chứng khoán đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng với nền tảng vững chắc, vận hành suôn sẻ của trên 1.000 doanh nghiệp đại chúng, quy mô vốn hóa niêm yết đạt 70 tỉ USD đã thu hút hơn 1,6 triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Qua hai thập kỷ, thị trường đã huy động trên 2 triệu tỷ đồng, cung cấp vốn đầu tư phát triển doanh nghiệp nói riêng và đất nước nói chung. Cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp đã thực hiện bán đấu giá cổ phần ra công chúng thông qua thị trường chứng khoán.

Mười sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán năm 2016 ảnh 1Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. (Ảnh: TTXVN)
Năm của “thiên nga đen” và những cú sốc bất ngờ
Năm 2016, thị trường đã bị tác động mạnh mẽ từ những cú sốc bất ngờ bên ngoài. Cụ thể, các sự kiện thị trường chứng khoán Trung Quốc ngắt giao dịch (ngày 1/4), Anh rời khỏi EU – Brexit (ngày 24/6), kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 9/11) đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư, dẫn đến các hoạt động bán tháo.

Chỉ số VN-Index có lúc đã sụt điểm tới 5,47% (ngày 24/6) và giảm sâu nhất 3% (ngày 9/11). Song sau đó, nhờ nền tảng thị trường vẫn tốt nên VN-Index đã có sự hồi phục.

Mười sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán năm 2016 ảnh 2 (Nguồn: Times Higher Education)
Từ IPO đến sàn chứng khoán – con đường ngắn “kỷ lục”
Ngày 1/11, Thông tư số 115/2016/TT-BTC chính thức có hiệu lực, theo đó sau 20 ngày làm việc (kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá) nhà đầu tư đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UpCoM, con đường từ IPO đến sàn chứng khoán đã được rút ngắn rất nhiều khi so với mức 90 ngày như trước đây.

Mười sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán năm 2016 ảnh 3Phiên IPO của Công ty Sách Việt Nam có số lượng đăng ký mua gần gấp đôi số cổ phần chào bán, ngày 24/3/2016. (Ảnh: HNX)
Ra mắt chỉ số chứng khoán chung, mở đầu cho lộ trình hợp nhất hai Sở giao dịch chứng khoán
Chỉ số VNX-Allshare đã chính thức vận hành vào ngày 24/10. Đây là chỉ số cơ sở kết nối hai sàn niêm yết (HoSE và HNX), điều này được cho là dấu mốc quan trọng trên con đường hợp nhất các sở chứng khoán tại Việt Nam.

VNX-Allshare ra đời, được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao, bởi từ trước đến nay hai sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam vận hành những bộ chỉ số độc lập.

Mười sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán năm 2016 ảnh 4Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Vũ Bằng phát biểu tại Lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2016. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hiện thực hóa quyết tâm thoái vốn nhà nước
Ngày 12/12, phiên chào bán cạnh tranh 9% cổ phần của Nhà nước do Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) làm đại diện chủ sở hữu tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã VNM-HoSE) diễn ra tại HoSE. Kết quả, hai nhà đầu tư nước ngoài đã mua 78,4 triệu cổ phần (tương ứng 5,4% cổ phần tại Vinamilk) và đạt 60% số lượng cổ phần chào bán, giúp Nhà nước thu về 11.286 tỷ đồng.

Mặc dù khối lượng cổ phần bán được không đạt như kỳ vọng, nhưng mức giá bán 144.000 đồng/cổ phiếu đã cao hơn 7,7% giá đóng cửa (của ngày chào bán), đây được xem như một thương vụ tiêu biểu của năm 2016 (giá trị giao dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong năm).

Sau Vinamilk, các tập đoàn tổng công ty nhà nước như Sabeco, Habeco, Vinatex… tiếp tục thoái vốn công khai minh bạch, hiệu quả trên thị trường chứng khoán.

Mười sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán năm 2016 ảnh 5(Nguồn: Vinamilk)
Cổ phiếu ROS gây bất ngờ trên thị trường chứng khoán
Trong năm 2016, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC (Faros) không chỉ thu hút sự chú ý của giới truyền thông Việt Nam, mà còn gây tò mò với cả giới truyền thông tài chính quốc tế.

Thành lập từ năm 2011 với số vốn điều lệ khoảng 1,5 tỷ đồng, sau 5 năm, vốn điều lệ của ROS đã tăng lên mức 4.300 tỷ đồng. Kể từ khi niêm yết, cổ phiếu ROS đã tăng từ mức 12.600 đồng/CP ngày 1/9 lên mức 126.000 đồng/CP vào ngày 25/11 - gấp 10 lần chỉ trong vòng 3 tháng lên sàn, đưa cổ phiếu này vào TOP 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mười sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán năm 2016 ảnh 6Đại hội cổ đông của công ty FAROS (Nguồn: FAROS)
MTM và “gáo nước lạnh” dội vào sàn chứng khoán
Ngày 19/9, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Hữu Tiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (mã MTM-UpCoM).

Trước đó ngày 20/6, HNX đã ra quyết định buộc 31 triệu cổ phiếu MTM phải tạm ngừng giao dịch tại sàn UpCoM với lý do để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Thời điểm đó, cổ phiếu MTM chỉ còn 2.600 đồng/cổ phần và mất đến 80% giá trị so với lúc lên sàn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên được chứng kiến một dạng rủi ro mới, khả năng lừa đảo là có chủ đích (một doanh nghiệp không còn hoạt động, tài sản không có thật lại lên lên sàn chứng khoán giao dịch, lợi dụng những quy định thông thoáng nhằm trục lợi).

Mười sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán năm 2016 ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Thị trường chứng khoán phái sinh về cơ bản sẵn sàng cho khai trương năm 2017
Ngày 16/3, HNX và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam tổ chức công bố mô hình và kế hoạch phát triển hệ thống giao dịch, bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh. Tính tới cuối năm, các khâu chuẩn bị triển khai thị trường về cơ bản đã được hoàn thiện, sẵn sàng cho sự vận hành vào năm 2017.

Mười sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán năm 2016 ảnh 8Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Thị trường trái phiếu Chính phủ - Thêm một năm “được mùa”
Thị trường trái phiếu đã lập nhiều kỷ lục ấn tượng, giá trị huy động đạt 281.000 tỷ đồng. Như vậy chỉ tính mới chín tháng, trái phiếu Chính phủ đã hoàn thành kế hoạch huy động cả (250.000 tỷ đồng).

Một thành công khác, kỳ hạn huy động trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp liên tiếp được kéo dài, kỳ hạn vay bình quân đạt 8,27 năm, nâng kỳ hạn bình quân của cả danh mục trái phiếu Chính phủ đạt 5,63 năm. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc tái cơ cấu kỳ hạn nợ của Chính phủ theo hướng kéo dài thời gian trả nợ, giảm bớt áp lực lên “đỉnh” nợ ngắn hạn và chi phí huy động vốn.

Trên thị trường trái phiếu thứ cấp, tổng lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ đạt con số kỷ lục 1,5 triệu tỷ đồng, giá trị bình quân đạt 6.200 tỷ đồng/phiên.

Mười sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán năm 2016 ảnh 9Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Nới room cho nhà đầu tư nước ngoài: Chuyển “lời giải” sang năm 2017
Nới rộng tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp đại chúng là chính sách được thị trường chờ đợi nhiều nhất. Nhưng, hơn 1 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định những điểm mới về tư duy nới room, số doanh nghiệp thực thi việc này còn quá ít.

Điểm mắc trong triển khai Nghị định nới room nằm ở Luật Đầu tư, khi quy định các doanh nghiệp có sở hữu trên 51% vốn ngoại sẽ được “đối xử” như nhà đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải cân nhắc việc nới room và những quy định tại Luật Đầu tư, vì quy định hiện hành trên thị trường chứng khoán cho phép khối ngoại mua đến 49% vốn của doanh nghiệp.

Mười sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán năm 2016 ảnh 10Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục