Muốn bảo vệ con trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại, bạn cần xem video này

Chúng ta có thể làm được gì, khi chúng ta không thể 24/24 giờ túc trực và gói gọn con trẻ trong vòng tay của mình? UNFPA gợi ý cho các bậc phụ huynh nên thực hiện một số biện pháp phòng tránh.

Cứ bốn bé gái thì một bé sẽ bị xâm hại tình dục. Vấn đề nghiêm trọng này cũng diễn ra với các bé trai, khi trung bình sáu bé trai sẽ có một bé bị xâm hại. 9 là độ tuổi trung bình của các bé khi bị xâm hại. Khả năng quen biết của các bé với kẻ xâm hại là 93%. Và có một thực tế rằng, 47% kẻ xâm hại có thể là thành viên trong gia đình hoặc họ hàng.

Những con số đáng báo động trên đã được UNFPA Việt Nam - Quỹ dân số liên hợp quốc tại Việt Nam, thông báo trên trang fanpage và kênh Youtube của quỹ mới đây.

Chúng ta có thể làm được gì, khi chúng ta không thể 24/24 giờ túc trực và gói gọn con trẻ trong vòng tay của mình? UNFPA gợi ý cho các bậc phụ huynh nên thực hiện một số biện pháp sau đây:

1. Hướng dẫn con biết tự báo động khi thấy có người nhìn vào vùng kín của trẻ hoặc dụ dỗ con nhìn vào vùng kín của họ:

Các bé thường không biết sẽ phải chia sẻ với cha mẹ ra sao, hãy dạy trẻ các dạng báo động như sau:

Báo động Nói: Dạy trẻ nói ra khi có người nói chuyện với bé về vùng kín, sử dụng các danh từ chỉ vùng kín.

Báo động Chạm: Khi có người lạ sờ mó vào vùng kín của trẻ, hoặc dụ dỗ trẻ sờ vào vùng kín của họ.

Báo động Bắt cóc: Sử dụng khi có người lạ đưa trẻ đến khu vực vắng mà không có sự cho phép của bố mẹ. Phụ huynh phải dạy cho con biết tránh xa và không đi theo những người lạ mặt.

Báo động Ôm: Khi có người ôm bé một cách bất thường, động chạm vào những vị trí trên cơ thể không được phép.

[Bé gái lớp 1 nghi bị xâm hại: Nhà trường không thể kết luận "không có"]

Muốn bảo vệ con trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại, bạn cần xem video này ảnh 1Nếu bạn bảo vệ một em nhỏ bạn không quen, sẽ có ai đó bảo vệ em bé mà bạn quen. Hãy hành động, đừng im lặng!

2. Hãy hành động, đừng im lặng: Báo với các cơ quan chức năng, đường dây nóng hoặc tìm người hỗ trợ gần nhất khi bạn nhìn thấy những báo động trên. Nếu bạn bảo vệ một em nhỏ bạn không quen, sẽ có ai đó bảo vệ em bé mà bạn quen.


3. Trong trường hợp chuyện đáng tiếc xảy ra, không đổ lỗi cho trẻ nhỏ.
Luôn bình tĩnh và trò chuyện nhẹ nhàng với trẻ bị xâm hại. Các em không có lỗi, đừng để sự ám ảnh và chỉ trích khiến các em bị áp lực, như vậy các em sẽ càng không thể nói ra sự thật cuối cùng.

UNFPA cũng hướng dẫn cách trò chuyện với trẻ, giúp trẻ hiểu được cách nhận dạng “kẻ xấu”: Không chỉ đánh giá kẻ xấu qua ngoại hình hung dữ như các nhân vật truyện tranh, hoạt hình mà đôi khi, “kẻ xấu” cũng có ngoại hình bình thường như mọi người, các bé cần hiểu về những hành vi báo động để nhận dạng được chúng./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục