"Muốn giảm nhập siêu thì phải có hàng hóa đảm bảo chất lượng"

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, muốn giảm nhập siêu thì chất lượng hàng hóa phải tốt, giá cả cạnh tranh, quan trọng hơn là có ngành công nghiệp phụ trợ đáp ứng yêu cầu sản xuất trong nước.
"Muốn giảm nhập siêu thì phải có hàng hóa đảm bảo chất lượng" ảnh 1Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đang trả lời báo chí (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng Năm, Việt Nam nhập siêu khoảng 900 triệu USD. Tính chung 5 tháng của năm 2015, nhập siêu ước đạt 3 tỷ USD, tương đương 4,7% kim ngạch xuất khẩu.

Xét về tổng thể, Việt Nam đang xuất siêu vào một số thị trường lớn như Mỹ (9,6 tỷ USD) và EU (8,2 tỷ USD) nhưng ngược lại Việt Nam lại nhập siêu rất lớn từ thị trường Trung Quốc, với con số ước khoảng 13,4 tỷ USD, đây là một thách thức trong việc cân bằng hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13 diễn ra sáng nay (28/5), đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có trao đổi với VietnamPlus xung quanh việc nhập siêu thời gian qua.

- Thưa ông, mới gần 5 tháng, Việt Nam đã nhập siêu tới 3 tỷ USD, riêng thị trường Trung Quốc, con số nhập siêu vượt 13 tỷ USD, vậy ông có đánh giá thế nào về việc này?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, qua 5 tháng Việt Nam đã nhập siêu hơn 3 tỷ USD, tuy nhiên đây là yêu cầu thực tế nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế nền rất cần nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.

Còn câu chuyện nhập siêu từ Trung Quốc không phải là vấn đề mới, do đây là một thị trường cực lớn của thế giới và có các tư liệu sản xuất tương đối phù hợp cả về giá cả lẫn chất lượng đối với các doanh nghiệp.

Mặc dù chúng ta cũng xuất khẩu sang thị trường này nhưng chủ yếu là nguyên liệu thô trong khi việc nhập khẩu từ Trung Quốc lại là máy móc thiết bị, hoặc là các sản phẩm tiêu dùng.

Nhưng tôi phải khẳng định, nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này là sự thực và đều tập trung vào những mặt hàng có chất lượng chứ không phải kém chất lượng như mọi người suy nghĩ.


- Chúng ta đang chuẩn bị tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại lớn (FTA), theo ông việc này có giúp chúng ta cân bằng được cán cân thương mại hay không?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Việc hội nhập là tất yếu, tuy nhiên nó cũng mang tính hai mặt. Nếu hàng hóa chúng ta tốt thì có thể đẩy mạnh được xuất khẩu, nhưng ngược lại nếu không cẩn thận thì chúng ta lại mở rộng nhập siêu.

Có thể thấy, việc nhập khẩu hay trao đổi thương mại là nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp, do vậy nhà nước cần phải tính toán kỹ trong việc nhập cái gì, từ những thị trường nào để có những mặt hàng có giá trị cao, chất lượng tốt cũng như giá cả cạnh tranh.

Nếu làm không tốt thì đôi khi việc đa dạng hóa thị trường sẽ đẩy việc nhập siêu lên cao hơn, vì cùng một loại sản phẩm nhưng giá thành tại các thị trường lớn sẽ cao hơn rất nhiều.

- Vậy theo ông, để giải bài toán nhập siêu, chúng ta cần tập trung giải quyết những vấn đề gì trong thời gian tới?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Bài toán nhập siêu đã có từ rất lâu nhất là khi chúng ta mở cửa thị trường, nhưng quan trọng là chúng ta phải đi từ đâu trong quá trình phát triển các ngành mũi nhọn. Có tính toán được việc đầu tư chuyên sâu thế nào mới có thể giải quyết căn cơ bài toán nhập siêu được.

Tôi đơn cử câu chuyện ách tắc hàng nông sản vừa qua, nếu là hàng hóa có chất lượng và đầu tư bài bản thì chắc chúng ta sẽ không gặp phải chuyện như vậy. Nếu xét trong tái cơ cấu nền nông nghiệp, chúng ta mới chỉ bắt đầu khởi động và có hướng đi nhưng chưa đạt được như mong muốn, nên cần phải thay đổi tư duy.

Do vậy, chúng ta cần phải đưa khoa học kỹ thuật vào để nâng cao hàm lượng và giá trị của các mặt hàng nông nghiệp, cũng như kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu ra, qua đó mới nâng cao được sức cạnh tranh.

Ngoài ra, việc nhập siêu một phần là do chúng ta chưa phát triển được các ngành công nghiệp phụ trợ, do vậy buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu máy móc thiết bị nhằm đáp ứng các yêu cầu sản xuất.

Về lâu dài, theo tôi, phải tập trung cơ chế chính sách để thu hút vốn đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghệ cao, nâng cao năng suất lao động...

Bên cạnh đó muốn tận dụng tốt việc đa dạng hóa thị trường đẩy mạnh xuất khẩu thì trước tiên phải có hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá thành cạnh tranh./.

Xin cảm ơn ông./.

Theo số liệu thống kê, năm 2009, tổng nhập siêu của Việt Nam là 12 tỷ USD thì nhập siêu riêng từ Trung Quốc là 11,5 tỉ USD. Năm 2011, cả nước nhập siêu 13,8 tỷ USD, trong đó nhập siêu từ Trung Quốc là 9,5 tỉ USD.

Năm 2013, Việt Nam xuất siêu 900 triệu USD nhưng nhập siêu từ Trung Quốc là 23,7 tỉ USD. Năm 2014, Việt Nam xuất siêu 2 tỉ USD nhưng nhập siêu từ Trung Quốc là 29 tỷ USD.

Năm tháng đầu năm 2015, tổng nhập siêu của Việt Nam là 3 tỷ USD, nhưng ước nhập siêu riêng từ Trung Quốc đã lên đến 13,4 tỷ USD.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục