Mỹ bác bỏ việc ép cựu Tổng thống Yemen rời khỏi đất nước

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bác bỏ thông tin nói rằng Washington đã “ra lệnh” cho cựu Tổng thống Yemen Saleh phải lập tức rời khỏi đất nước.
Mỹ bác bỏ việc ép cựu Tổng thống Yemen rời khỏi đất nước ảnh 1Cựu tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. (Nguồn: en.ria.ru)

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 5/11 đã bác bỏ thông tin nói rằng Washington đã “ra lệnh” cho cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh phải lập tức rời khỏi đất nước nếu không muốn bị trừng phạt.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki bác bỏ thông tin ngày 4/11 của đài truyền hình Al Jazeera nói rằng trong cuộc gặp với các đại diện của cựu Tổng thống Saleh, Đại sứ Mỹ tại Yemen Mathew Tueller đã buộc ông Saleh phải rời đất nước trước ngày 7/11.

Bà Psaki khẳng định không hề có cuộc gặp mà ở đó phía Mỹ đưa ra tối hậu thư buộc ông Saleh phải rời khỏi đất nước.

Trước đó, Al Jazeera dẫn nguồn tin từ văn phòng của ông Saleh cho biết trong cuộc gặp tại thủ đô Sanaa với các đại diện của cựu Tổng thống, Đại sứ Tueller đã nhân danh Liên hợp quốc buộc ông Saleh phải rời khỏi đất nước, nếu không sẽ bị trừng phạt.

Theo Al Jazeera, những biện pháp trừng phạt mà Mỹ có thể áp đặt là cấm cấp thị thực nhập cảnh và phong tỏa tài sản của ông Saleh.

Hãng này thậm chí còn đưa tin, mặc dù đã “tự nguyện” từ bỏ quyền lực cách đây ba năm nhưng ông Saleh vẫn là người đứng phía sau hậu trường tác động vào các thiết chế chính phủ và quân đội, ủng hộ cuộc nổi dậy của nhóm Houthis, gây tình hình căng thẳng kéo dài tại Yemen. Văn phòng của ông Saleh và đảng GPC mô tả quyết định này của Mỹ là can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Yemen.

Mỹ đưa ra lời bác bỏ trên trong bối cảnh 13 đảng phái chính trị ở Yemen, trong đó có lực lượng Houthis đã ký thỏa thuận ủy quyền cho tổng thống và thủ tướng thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc nhằm xoa dịu những căng thẳng chính trị làm suy yếu quốc gia Trung Đông này trong nhiều năm qua kể từ khi ông Saleh từ chức.

Thỏa thuận được ký dưới sự chứng kiến của Đặc phái viên Liên hợp quốc Jamal Benomar.

Cuộc tranh chấp giữa Houthis và các đảng phái chính trị khác về các ghế trong nội các đã làm cho việc thành lập chính phủ ở Yemen rơi vào bế tắc. Lực lượng Houthis của người Hồi giáo dòng Shiite, chiếm thủ đô Sanaa từ tháng 9/2014 sau nhiều tuần giao tranh. Tổ chức này tuyên bố chỉ rút lực lượng khỏi Sanaa sau khi chính phủ mới được thành lập.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Yemen căng thẳng tới mức Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 9 đã chỉ thị cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao làm việc tại Yemen, đồng thời nâng cảnh báo an ninh ở Yemen lên mức "cực kỳ nguy hiểm."

Mỹ cũng khuyến cáo các công dân của mình nhanh chóng rời khỏi quốc gia Trung Đông này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục