Mỹ cam kết giảm bất bình đẳng, Pháp tăng viện trợ cho nước nghèo

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 27/9 tuyên bố Mỹ sẽ hoàn thành các mục tiêu phát triển toàn cầu, đồng thời cam kết giảm tình trạng bất bình đẳng và tạo ra nhiều cơ hội phát triển trên khắp thế giới.
Mỹ cam kết giảm bất bình đẳng, Pháp tăng viện trợ cho nước nghèo ảnh 1Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Phát triển bền vững của Liên hợp quốc diễn ra ở New York, Mỹ ngày 27/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 27/9 tuyên bố Mỹ sẽ hoàn thành các mục tiêu phát triển toàn cầu, đồng thời cam kết giảm tình trạng bất bình đẳng và tạo ra nhiều cơ hội phát triển trên khắp thế giới.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Phát triển bền vững của Liên hợp quốc diễn ra ở New York, Mỹ, Tổng thống Obama một lần nữa cảnh báo việc quản lý tồi và tình trạng bất bình đẳng sẽ đe dọa nỗ lực đạt được các mục tiêu tham vọng.

Ông kêu gọi cuộc chiến chống tham nhũng, bê bối tài chính và thúc đẩy các nhóm hoạt động dân sự xã hội.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng cũng hối thúc một số nước từ bỏ hủ tục, nhất là việc phủ nhận quyền và cơ hội cho phụ nữ.

Trước đó, ngày 25/9, các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự Phát triển bền vững toàn cầu năm 2030, bao gồm 17 mục tiêu đầy táo bạo nhằm đạt được ba thành tựu "phi thường," đó là chấm dứt đói nghèo, đấu tranh với tình trạng bất bình đẳng và vô luật pháp, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Chương trình đề ra những mốc thời gian cụ thể như 800 tuần để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nghèo đói cùng cực ở tất cả mọi nơi trên Trái Đất; 800 tuần để giúp 800 triệu người thoát khỏi nghèo đói.

Trong vòng 15 năm tới, các chính phủ và tổ chức sẽ tăng gấp đôi những nỗ lực phát triển để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người dân trên hành tinh, với mục tiêu tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.

Cùng ngày, cũng tại hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết Paris sẽ tăng viện trợ tài chính cho các nước nghèo thêm 4 tỷ euro (4,1 tỷ USD) bắt đầu từ năm 2020, nâng ngân sách viện trợ của nước này lên 12 tỷ euro/năm. Tuy nhiên, ông không đề cập cụ thể đến việc sẽ viện trợ cụ thể cho lĩnh vực nào.

Hiện khoản viện trợ của Pháp là 8 tỷ euro/năm, tương đương khoảng 0,36 % GDP, thấp hơn so với mục tiêu 1% GDP đối với mức viện trợ phát triển của các nước giàu cho những nước nghèo.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, để đạt được những mục tiêu tham vọng vào năm 2030 nêu trên, thế giới cần 5.000 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, các nhà hoạt động lo ngại rằng hỗ trợ cho lĩnh vực khí hậu một lần nữa lại bị thu hẹp trước những khoản viện trợ dành cho những mục tiêu về sức khỏe, giáo dục và các khu vực phát triển khác.

Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố nước này sẽ viện trợ không hoàn lại 200 triệu USD cho các nước nghèo nhằm tăng cường đóng góp cho sự phát triển bền vững.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong bài diễn văn đọc tại phiên họp Đại hội đồng, Tổng thống Park Geun-hye cho biết Hàn Quốc dự định vào năm tới sẽ phát động sáng kiến mang tên “Cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em gái” kéo dài 5 năm, nhằm giúp các em gái tại 15 nước được hưởng sự giáo dục chất lượng cao và tăng cường các dịch vụ y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục