Mỹ cảnh báo tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu

Nhà Trắng cảnh báo tình trạng Trái Đất ấm dần đang gây ra hậu quả nghiêm trọng với nước Mỹ và kêu gọi đối phó với thực trạng này.
Mỹ cảnh báo tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: thewesterner.blogspot.com)

Ngày 6/5, Nhà Trắng cảnh báo tình trạng Trái Đất ấm dần đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với toàn nước Mỹ và kêu gọi hành động khẩn cấp để đối phó với thực trạng này.

Trong một công trình nghiên cứu do hàng trăm nhà khoa học hàng đầu phối hợp với trang web www.globalchangen.gov tiến hành trong bốn năm qua, giới khoa học cảnh báo về các nguy cơ mức nước biển tăng, hạn hán, cháy rừng và bùng phát các dịch bệnh nếu như thế giới không giải quyết được các thách thức nảy sinh do các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trong các lời cảnh báo, các nhà khoa học đã đề cập cụ thể đến tình trạng hạn hán tại bang lớn nhất Mỹ, California, các đám cháy thảo nguyên ở bang Oklahoma và tình trạng mực nước biển tăng lên ở Bờ biển phía Đông, đặc biệt bang Florida, tình trạng xâm thực ở bang Mississipi.

Báo cáo cũng cảnh báo đến năm 2030, các khu vực ven biển như Alabama, Louisiana, Mississipi và Texas sẽ thiệt hại tới 23 tỷ USD với một nửa trong số đó là các chi phí liên quan đến tình trạng thay đổi khí hậu.

Các tuyến đường và các cơ sở huyết mạch của kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ bị nước biển xâm lấn hoặc sự xuất hiện nhiều hơn của các cơn bão nhiệt đới hung dữ. Tuyến đường cao tốc bang số 1 tại Louisiana, tuyến đường duy nhất nối New Orleans với trung tâm dầu mỏ chiến lược ở Cảng Fourchon, đang thấp dần so với mực nước biển.

Nếu tuyến đường này bị đóng cửa trong 90 ngày do hậu quả của các trận lũ lụt và bão, nước Mỹ có thể thiệt hại tới 7,8 tỷ USD.

Báo cáo cho rằng tình trạng thay đổi khí hậu cuối cùng sẽ tác động tới toàn nước Mỹ, thậm chí đến cả vùng Alaska, khu vực mà các nhà nghiên cứu cho rằng tốc độ ấm dần của khí hậu nhanh hơn gấp đôi so với các vùng còn lại của Mỹ.

Tốc độ tan băng ở Bắc Cực diễn ra nhanh hơn so với dự đoán trước đó của giới khoa học và dự kiến sẽ biến mất hoàn toàn vào giữa thế kỷ này. Điều này một mặt sẽ tạo ra một hệ sinh thái biển mới, một lộ trình giao thông đường biển thuận lợi hơn, nhiều cơ hội phát triển ở khu vực ngoài khơi.

Tuy nhiên, mặt khác, Bắc Cực tan băng sẽ đặt nhân loại đứng trước nguy cơ tình trạng xâm thực tại các vùng ven biển gia tăng. Báo cáo cảnh báo tình trạng nhiệt độ đóng băng tăng lên có thể sẽ gây ra các hiện tượng đất liền khô hơn, cháy rừng gia tăng, thay đổi môi trường sống của các loại sinh vật hoang dã và làm tăng các chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở hạ tầng.

Báo cáo khẳng định các bằng chứng về tình trạng ấm dần của Trái Đất đã rõ ràng và thực trạng nghiêm trọng hiện nay của tình trạng biến đổi khí hậu trong nửa cuối thế kỷ trước là do các hoạt động của con người, đặc biệt là việc đốt các nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than và khí đốt. Tuần trước, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu - tổ chức đã từng nhận giải thưởng Nobel - cho biết thế giới còn 15 năm để thực thi các hành động cần thiết nhằm ngăn chặn các thảm họa tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu gây ra.

Trợ lý Tổng thống Mỹ phụ trách về khoa học và công nghệ John Holdren nhận định báo cáo cho thấy thay đổi khí hậu không còn là "mối đe dọa xa vời."

Thượng nghị sỹ Dân chủ Ed Markey cũng nói rằng thay đổi khí hậu là một mối nguy rõ ràng và hiện tại, đòi hỏi phải hành động ngay. Trong nỗ lực nhằm hợp tác với các nhà khoa học, Tổng thống Mỹ dự định sẽ tham dự các cuộc phỏng vấn được truyền hình với các nhà khí tượng học trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, bất chấp các lời cảnh báo trên, các nghị sỹ Cộng hòa hiện đang kiểm soát Hạ viện Mỹ đã bác bỏ báo cáo. Thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Mitch McConell, cho rằng nước Mỹ cần phải đặt ưu tiên vào lĩnh vực kinh tế.

Ông McConell đánh giá việc nước Mỹ hành động để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu sẽ không có kết quả nếu các nước công nghiệp lớn khác không hợp tác. Nhận định được cho là ám chỉ Trung Quốc, quốc gia hiện đã vượt Mỹ đứng đầu thế giới về lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính.

Bắc Kinh đã tăng mức đầu tư cho các nguồn năng lượng tái sinh như Mặt Trời, năng lượng gió... song vẫn cho rằng việc cắt giảm lượng khí thải theo một số điều kiện nhất định là không khả thi.

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008, Tổng thống Obama nhắc lại cam kết coi giải quyết thay đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên, cam kết sẽ đưa nước Mỹ trở thành quốc gia đi đầu trong nỗ lực này.

Tuy nhiên, sau đó người đứng đầu Nhà Trắng đã không thuyết phục được Quốc hội thực thi những biện pháp quan trọng do các nghị sĩ có quan hệ mật thiết với giới chủ công nghiệp phản đối bất cứ biện pháp nào nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm.

Do vấp phải trở ngại từ Quốc hội, chính quyền Tổng thống Mỹ đã xúc tiến những biện pháp thay thế trong đó có việc siết chặt các tiêu chuẩn về khí thải CO2 tại các nhà máy điện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục