Mỹ: Cảnh sát Ferguson phải gắn camera để chống phân biệt chủng tộc

Theo sắc lệnh dài 131 trang, tất cả các nhân viên thuộc Sở Cảnh sát Ferguson, từ cảnh sát tuần tra tới quản giáo nhà tù, đều phải đeo thiết bị có gắn camera khi làm nhiệm vụ.
Mỹ: Cảnh sát Ferguson phải gắn camera để chống phân biệt chủng tộc ảnh 1Tình trạng căng thẳng giữa cảnh sát và người da màu tại Mỹ gia tăng sau vụ việc tại Ferguson. (Nguồn: AFP)

Trước các cuộc biểu tình yêu cầu chấn chỉnh lực lượng thực thi pháp luật, chính quyền thành phố Ferguson, bang Missouri của Mỹ đã cam kết cải tổ sở cảnh sát và hệ thống tư pháp địa phương. Cam kết được đưa ra trong một sắc lệnh với Bộ Tư pháp Mỹ công bố ngày 27/1.

Theo sắc lệnh dài 131 trang, tất cả các nhân viên thuộc Sở Cảnh sát Ferguson, từ cảnh sát tuần tra tới quản giáo nhà tù, đều phải đeo thiết bị có gắn camera khi làm nhiệm vụ.

Chính quyền Ferguson cũng cam kết thay đổi cách thức tuyển dụng nhân sự phù hợp với thực tế địa bàn, trong bối cảnh có nhiều ý kiến cho rằng chỉ có rất ít trong số hơn 50 cảnh sát địa phương là người Mỹ gốc Phi trong một cộng đồng có tới 70% là người da màu.

Một điểm đáng chú ý là các tòa án thành phố Ferguson sẽ không thụ lý các vụ án nhỏ bị "treo" trong hai năm qua.

Giới chức thành phố Ferguson có kế hoạch tổ chức 3 lần lấy ý kiến của người dân về kế hoạch cải cách nói trên trước khi hội đồng thành phố tiến hành bỏ phiếu thông qua vào ngày 9/2 tới. Nếu được phê chuẩn, các thay đổi nói trên sẽ chính thức có hiệu lực sau 180 ngày.

Cam kết chỉnh đốn lực lượng cảnh sát tại thành phố Ferguson đưa ra trong bối cảnh các vụ cảnh sát da trắng bắn chết người da màu vẫn để lại nhiều bức xúc trong dư luận.

Việc lực lượng thực thi pháp luật quá lạm quyền khi sử dụng vũ lực khi làm nhiệm vụ đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình bùng phát ở hơn 100 thành phố trên khắp nước Mỹ. Sự giận dữ càng tăng lên khi nhiều bồi thẩm đoàn ra phán quyết miễn truy tố cho các nhân viên cảnh sát bắn chết người.

Trước đó, các vụ biểu tình đã diễn ra ở nhiều bang của Mỹ để phản đối vụ cảnh sát da trắng Darren Wilson ở Ferguson bắn chết thanh niên da đen Michael Brown khi anh này không cầm vũ khí và một số vụ việc tương tự khác.

Tình trạng căng thẳng gia tăng đến mức Tổng thống Barack Obama phải lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh và tôn trọng pháp luật, đồng thời đề xuất cần có những thay đổi sâu sắc để chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc và xói mòn niềm tin giữa cảnh sát da trắng và người da màu ở Mỹ.

Theo một báo cáo công bố hồi đầu năm nay, 1.130 người dân Mỹ đã thiệt mạng dưới họng súng của cảnh sát trong năm 2015. Người gốc Phi, chỉ chiếm 4% dân số Mỹ, nhưng họ lại chiếm tới 40% trong số những người không có vũ khí bị cảnh sát giết hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục