Mỹ có khối lượng rác thải điện tử nhiều nhất thế giới

Theo Bản đồ Rác thải điện tử, Mỹ và Trung Quốc là hai nước có khối lượng rác thải điện tử trung bình hàng năm lớn nhất lần lượt là 9,4 và 7,3 triệu tấn.
Mỹ có khối lượng rác thải điện tử nhiều nhất thế giới ảnh 1Rác thải điện tử. Ảnh minh họa. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Trong một nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của công chúng và hối thúc các nước giải quyết vấn đề rác thải điện tử trên thế giới, mới đây, Sáng kiến Giải quyết vấn đề rác thải điện tử (StEP), hiện là đối tác của Liên hợp quốc, và các tổ chức khoa học phi lợi nhuận quan tâm giải quyết vấn đề môi trường đã công bố Bản đồ Rác thải điện tử mới nhất.

Theo tài liệu này, tổng khối lượng rác thải điện tử trên thế giới đang tăng lên, trong đó Mỹ là nước dẫn đầu, theo sau là Trung Quốc. Thách thức quốc tế trong việc xuất khẩu và tái chế số rác thải này cũng chưa được quan tâm giải quyết một cách hiệu quả.

Theo số liệu do StEP thu thập, khối lượng rác thải điện tử trên thế giới, bao gồm các thiết bị đã qua sử dụng và bị loại bỏ như tủ lạnh, tivi, điện thoại di động, máy tính, đồ chơi điện tử dự báo sẽ tăng 33% trong vòng 5 năm tới, lên 65,4 triệu tấn vào 2017.

Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có khối lượng rác thải điện tử trung bình hàng năm lớn nhất lần lượt là 9,4 và 7,3 triệu tấn. Tính bình quân đầu người, mỗi công dân Mỹ "phụ trách" 29,8kg rác thải điện tử, trong khi con số này ở người dân Trung Quốc là 5,4kg.

Liên quan đến vấn đề thu thập và xuất khẩu các thiết bị điện tử đã qua sử dụng, một nghiên cứu do Phòng thí nghiệm Hệ thống vật chất của Học viện Công nghệ Massachusetts và Trung tâm Quốc gia của Mỹ về tái chế thiết bị điện tử cho biết năm 2010 có tổng cộng 258,2 triệu thiết bị điện tử được thu thập ở Mỹ. Trong số này, có khoảng 70% được tái sử dụng hoặc tái chế và 8,5% trong số còn lại được xuất khẩu.

Bản đồ Rác thải điện tử cung cấp dữ liệu so sánh của 184 quốc gia trên thế giới, ước tính số lượng các thiết bị điện, điện tử được đưa vào thị trường hàng năm cũng như lượng rác thải do chúng tạo ra.

Thư ký điều hành của StEP, ông Ruediger Kuehr cho biết tổ chức này tin tưởng rằng với cơ sở dữ liệu được kết nối bản đồ và cập nhật liên tục, khối lượng rác thải điện tử của từng quốc gia cùng với các văn bản và hoạt động pháp lý có liên quan sẽ giúp nâng cao nhận thức và hỗ trợ việc hoạch định chính sách ở cả hai cấp độ nhà nước và khu vực tư nhân.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là bước đi đúng hướng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế do từ trước đến nay chưa có nhiều nghiên cứu về việc quản lý cũng như buôn bán, xuất khẩu rác thải điện tử, đồng thời hy vọng các quốc gia sẽ tăng cường hợp tác và có các biện pháp đối phó hiệu quả với vấn nạn này trước khi quá muộn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục