Mỹ giữ kín kế hoạch dùng siêu chiến đấu cơ F-22 không kích Syria

Những chiếc Raptor có thể đã bay từ Căn cứ không quân Al Dhafra nằm ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất nhằm tiến hành không kích các mục tiêu của IS ở Syria.
Mỹ giữ kín kế hoạch dùng siêu chiến đấu cơ F-22 không kích Syria ảnh 1Siêu chiến đấu cơ F-22 Raptor của Không quân Mỹ (Nguồn: The Times-Picayune)

Trong nhiều năm qua, Không lực Mỹ đã cất kho một vũ khí thuộc hàng chiến lược của họ: các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor , với chi phí phát triển lên tới gần 70 tỷ USD. Tuy nhiên điều này đã thay đổi trong đêm 22/9, khi F-22 lần đầu được sử dụng trên bầu trời Syria.

Các nguồn tin quân sự cho tờ Daily Beast biết rằng F-22 đã giam gia đợt đầu trong 3 đợt tấn công nhằm vào một cơ sở chỉ huy và kiểm soát của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Lầu Năm Góc đã đưa lên Twitter các bức ảnh chụp một tòa nhà trước và sau khi bị F-22 không kích.

Việc F-22 được đưa tới Syria là cú sốc lớn với nhiều người trong giới hàng không quân sự. Ngay cả các phi công lái F-22 cũng không hề biết chiếc máy bay vừa được đưa vào tham chiến. 

Sau khi đưa tin ban đầu kể trên, Lầu Năm Góc vẫn giữ kín thông tin chi tiết quanh hoạt động của những chiếc máy bay có giá 150 triệu USD mỗi chiếc này, cũng như nó đã bay tới Syria từ nơi nào.

Các vụ không kích trong đêm 22/9 đã nhắm vào 14 mục tiêu nằm trong Syria. Khu trục hạm USS Arleigh Burke và tuần dương hạm USS Philippine Sea đã bắn tổng cộng 47 quả tên lửa hành trình Tomahawk. 

Trong khi đó các máy bay ném bom B-1 và máy bay F-15E Strike Eagle của Không lực cùng F/A-18 Hornet của Hải quân đã tấn công hàng loạt mục tiêu IS như cơ sở huấn luyện, trung tâm chỉ huy và kiểm soát, các nhà kho, trung tâm tài chính, các xe tiếp vận và xe có vũ trang.

Mỹ giữ kín kế hoạch dùng siêu chiến đấu cơ F-22 không kích Syria ảnh 2Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp cho thấy tòa nhà trung tâm chỉ huy của IS ở Syria trước và sau khi bị không kích (Nguồn: Reuters)
Tờ Daily Beast cho rằng những chiếc Raptor có thể đã bay tới Syria từ Căn cứ không quân Al Dhafra nằm ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Phi đoàn tiêm kích số 1 đóng ở đây đã triển khai tới đây một lượng nhỏ F-22 thuộc Phi đội tiêm kích số 27 thuộc Căn cứ liên quân Langley-Eustis. Chiếc F-22 được điều đi làm nhiệm vụ dường như có nhiệm vụ hộ tống các máy bay tiêm kích và ném bom khác, ngoài nhiệm vụ tấn công trung trung tâm chỉ huy và kiểm soát kể trên.

Chiếc Raptor, được phát triển và chế tạo với giá 66,7 tỷ USD, là một chiếc máy bay gây tranh cãi. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã hủy bỏ chương trình sau khi mới có 187 chiếc được chế tạo bởi ông tin nó là tàn tích của Chiến tranh Lạnh, ít có giá trị sử dụng trong thế kỷ mới. Không lực ban đầu muốn mua 750 chiếc máy bay này.
F-22 được thai nghén trong chương trình Máy bay tiêm kích chiến thuật tiên tiến, khởi động từ năm 1981. Chiếc máy bay chỉ đi vào hoạt động trong năm 2005, sau một chương trình phát triển kéo dài, đầy khó khăn. Tuy nhiên sau đó F-22 đã ngồi ngoài cả 2 cuộc chiến Iraq và Afghanistan, cũng như chiến dịch không kích Libya hồi năm 2011.

Ngoài ra F-22 còn gặp nhiều sự cố mất mặt. Ví dụ năm 2011, toàn bộ các máy bay F-22 đã bị đình chỉ bay do có vấn đề trong hệ thống cung cấp dưỡng phí. F-22 thường bay ở độ cao lớn hơn 15.000km, không giống các chiến đấu cơ như F-15 và F-16 hoạt động ở độ cao thấp hơn nhiều. Trần bay của F-22 hiện được đặt ở mức 18 km, chỉ vì người ta lo sợ ở độ cao lớn hơn, một sự cố gây mất áp suất khoang lái có thể giết chết ngay phi công.

Chiếc Raptor thuộc loại khó bảo dưỡng và chi phí bảo dưỡng cũng rất đắt đỏ. Ngoài ra, chiếc máy bay này vô cùng khó nâng cấp. Lớp vỏ tàng hình đặc biệt vô cùng khó bảo dưỡng. Cuối cùng, chiếc máy bay vẫn chưa có kính ngắm gắn trên mũ để khóa các mục tiêu không nằm ngay phía trước nó. Ngoài ra chiếc máy bay này cũng không thể lắp tên lửa không đối không đời mới nhất.

Tuy nhiên những người ủng hộ Raptor nói rằng Không lực cần 381 chiếc máy bay này để thay thế phi đội  F-15C Eagle đã trở nên lạc hậu.

Họ nói rằng Raptor có những tính năng chiến đấu đáng sợ. Nó gần như vô hình trước máy bay và các hệ thống ra đa của kẻ thù. Nó cũng bay rất nhanh, với tốc độ hành trình đã vượt qua mức Mach 1.8, tức gần gấp đôi tốc độ âm thanh.

Trong các cuộc thao diễn, F-22 đã thể hiện khả năng bay lượn thoải mái bên trong lãnh thổ đối phương mà không bị chặn đánh. Sự kết hợp giữa tính năng tàng hình, tốc độ, khả năng hoạt động ở độ cao lớn, khả năng cơ động đặc biệt cao và các cảm biến vô cùng mạnh đã giúp F-22 giành được nhiều chiến thắng. Thông thường trong diễn tập, F-22 sẽ tiêu diệt được hàng chục chiến đấu cơ của "quân địch" mà không chịu tổn thất nào. Ngoài ra Raptor cũng có khả năng cường kích. Nó có thể thả 2 quả bom thông minh loại 300kg hoặc 8 quả loại 60kg. Nó cũng có khả năng tấn công điện tử mạnh mẽ, có thể gây nghẽn  hoặc làm cháy thiết bị điện tử trong hệ thống ra đa của đối phương.

Tuy nhiên có vẻ như F-22 không cần sử dụng độc chiêu này trong đêm không kích đầu tiên. Lầu Năm Góc nói rằng các máy bay Mỹ chỉ thu được tín hiệu ra-đa thụ động phát lên từ Syria. Có vẻ Damascus đã tắt hệ thống phòng không của nước này. Dù sao, Không lực Mỹ đã có cơ hội dùng thứ vũ khí tối tân này và cuối cùng người đóng thuế Mỹ đã thấy khoản đầu tư khổng lồ của họ mang lại trái ngọt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục