Mỹ hối Trung-Nhật giải quyết hòa bình tranh chấp biển đảo

Tổng thống Obama bày tỏ mong muốn chứng kiến cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới tranh chấp biển đảo được giải quyết hòa bình.
Mỹ hối Trung-Nhật giải quyết hòa bình tranh chấp biển đảo ảnh 1Quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo AP/Kyodo, ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ mong muốn chứng kiến cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Đông được giải quyết một cách hòa bình.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau cuộc hội đàm thượng đỉnh tại Tokyo, ông Obama khẳng định quần đảo Senkaku do Tokyo quản lý nằm trong khuôn khổ Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, theo đó Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản.

Điều này cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản trước các nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành quyền kiểm soát quần đảo này.

 

Theo ông Obama, Mỹ phản đối bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm hủy hoại quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, động thái rõ ràng ám chỉ các hành động của Trung Quốc như đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013 chồng lấn với không phận của Nhật Bản trên quần đảo này, cũng như việc các tàu tuần tra của Bắc Kinh liên tục xâm phạm vùng biển của Tokyo xung quanh quần đảo này.

 

Dù vậy, ông mong muốn vấn đề tranh chấp biển đảo giữa 2 bên sẽ được giải quyết "thông qua đối thoại."

Trước đó, trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định với ông Obama rằng Nhật Bản "ủng hộ mạnh mẽ" chính sách tái cân bằng chiến lược của Mỹ sang châu Á và liên minh song phương này đóng vai trò "không thể thiếu và không thể thay thế" như một nền tảng cho hòa bình trên khắp khu vực.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Obama cũng nhấn mạnh liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng không chỉ đối với an ninh của 2 nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn đối với toàn khu vực.

Bên cạnh đó, ông còn cho rằng hai nước đang đứng trước cơ hội thông qua hợp tác để giúp định hình một nền kinh tế cởi mở, năng động và đổi mới trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương," đồng thời kêu gọi nỗ lực chung nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nền kinh tế, trong đó có Nhật Bản và Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục