"Mỹ không thể xem thường tên lửa của Triều Tiên"

Theo giới phân tích, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là bằng chứng cho thấy khả năng tên lửa đạn đạo của nước này đã đạt bước tiến triển mới.
Theo giới phân tích, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là bằng chứng cho thấy khả năng tên lửa đạn đạo của nước này đã đạt bước tiến triển mới. Điều này khiến chương trình hạt nhân của Triều Tiên thêm nguy hiểm và trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ. Mặc dù quốc gia bị cô lập này còn phải xử lý thách thức rất lớn về mặt kỹ thuật thì mới có thể gắn được đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm xa, song sự kiện ngày 12/12 đánh dấu một nấc thang quan trọng trong khả năng quân sự chiến lược tiềm tàng của Triều Tiên. James Schoff, cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện làm việc tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie nói: "Vụ phóng tên lửa này chắc chắn sẽ làm tăng sức mạnh của lời nói 'chúng tôi có tên lửa có thể tấn công nước Mỹ'. Sau một vụ phóng tên lửa thành công như vậy thì người ta khó có thể phủ định câu nói này." Hồi tháng 10, Triều Tiên từng tuyên bố có trong tay tên lửa có thể tấn công vào đất liền của nước Mỹ. Khi đó, dư luận cho rằng đây chỉ là một tuyên bố khoác lác. Masao Okonogi, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên của trường Đại học Keio, nhất trí cho rằng vụ phóng tên lửa sẽ nâng Triều Tiên lên gần hơn vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự an ninh quốc gia của Washington. Okonogi nói: "Đưa được vệ tinh lên quỹ đạo đồng nghĩa với việc có công nghệ để đưa đầu đạn tới một khu vực đã được nhằm mục tiêu. Giờ đây, Triều Tiên không chỉ trở thành mối đe dọa đối với các quốc gia láng giềng mà còn là mối đe dọa thực sự đối với Mỹ. Câu hỏi đặt ra hiện nay là vệ tinh đó có được đặt đúng vào nơi đã định trên quỹ đạo hay bị chệch mục tiêu." Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết họ cần thời gian để nghiên cứu một cách đầy đủ vụ phóng tên lửa ngày 12/12. Ngay cả khi Triều Tiên đạt được mục tiêu mà họ công bố là đưa được vệ tinh lên quỹ đạo, thì một số nhà phân tích cũng thận trọng cho rằng không nên phóng đại những khả năng quân sự mới của nước này. Việc thu nhỏ một vũ khí hạt nhân để đưa vào một đầu đạn mà đầu đạn đó lại phải vừa với một tên lửa đạn đạo là một thách thức rất lớn về mặt kỹ thuật, đó là còn chưa kể liệu tên lửa đó có thể vận chuyển chính xác đầu đạn được hay không.
[“Triều Tiên quyết tiếp tục chương trình không gian”]
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn là một ẩn số, song kho plutoni hiện có của quốc gia này được ước tính là đủ để sản xuất 6-8 quả bom nguyên tử. Ham Hyeong-Pil, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết Triều Tiên sẽ nhanh chóng tìm cách cải thiện độ chính xác của loại tên lửa vừa phóng và hoàn thiện công nghệ thu nhỏ đầu đạn. Ham nói: "Cá nhân tôi cho rằng chẳng bao lâu nữa Triều Tiên sẽ làm chủ hai công nghệ nói trên, một khi họ khắc phục được một số lỗi kỹ thuật và tiến hành thêm 2-3 vụ phóng nữa. Tình hình thực sự đáng ngại. Tôi cho rằng Mỹ không thể không xem đây là một mối đe dọa hữu hình thực sự." Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến nhóm họp ngay trong ngày 12/12 để thảo luận về cách thức phản ứng trước vụ phóng tên lửa, với việc Mỹ và các đồng minh yêu cầu mở rộng những lệnh trừng phạt đã được áp đặt sau khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân vào năm 2006 và 2009. Kết quả phần nhiều sẽ phụ thuộc vào quan điểm của Trung Quốc - nước cho đến nay vẫn phản đối việc thắt chặt lệnh trừng phạt. Trung Quốc ngày 12/12 đã bày tỏ quan ngại về vụ phóng tên lửa và kêu gọi tất cả các bên tránh "đổ thêm dầu vào lửa." Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Hawaii, nói hành động của Bình Nhưỡng thực sự là thách thức lớn đối với Chủ tịch tương lai của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình. Cossa nói: "Hầu hết người dân Trung Quốc cho rằng ông Tập sẽ lên tiếng phản ứng về vụ này vì đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên về cách thức ông xử lý một cuộc khủng hoảng quốc tế"./.
"Mỹ không thể xem thường tên lửa của Triều Tiên" ảnh 1
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục