Mỹ Latinh là địa bàn chính để quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Chuyến công du mới đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới bốn nước Mỹ Latinh đã thu được những thành công nhất định, trong đó có nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Mỹ Latinh là địa bàn chính để quốc tế hóa đồng nhân dân tệ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: globalriskinsights.com)

Chuyến công du mới đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới bốn nước Mỹ Latinh là Brazil, Colombia, Peru và Chile đã thu được những thành công nhất định, khi ngoài mục tiêu đáp ứng nhu cầu lớn về tài nguyên thiên nhiên để phục vụ chiến lược tăng trưởng bền vững, còn có nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Điểm đáng chú ý trong chuyến công du trên là thỏa thuận thành lập chi nhánh Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc tại Chile có số vốn ban đầu tương đương 8,1 tỷ USD cho phép thanh toán các hoạt động giao dịch thương mại bằng đồng nhân dân tệ.

Đây cũng là ngân hàng đầu tiên sử dụng đồng tiền Trung Quốc trong hoạt động thanh toán ở Mỹ Latinh. Ngoài ra, Ngân hàng trung ương Chile và Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã ký thỏa thuận thiết lập quỹ đầu tư 3,5 tỷ USD phục vụ các hoạt động thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư song phương.

Địa bàn chiến lược

Với mong muốn tăng cường vị thế trên trường quốc tế, một trong những trở ngại ban đầu mà Trung Quốc cần phải vượt qua là thực hiện chính sách quốc tế hóa đồng nội tệ thông qua một chiến lược với ba bước gồm "láng giềng hóa", "khu vực hóa" và "quốc tế hóa."

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các đầu tầu truyền thống như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vẫn chưa hồi phục như mong đợi, Mỹ Latinh - đang nổi lên như một trong những “động cơ” tiềm năng đối với tăng trưởng kinh tế thế giới - là địa bàn chiến lược đối với mục tiêu này.

Kim ngạch thương mại Trung Quốc - Mỹ Latinh tăng mạnh từ mức chỉ 12 tỷ USD năm 2000, lên 270 tỷ USD năm 2013.

Bốn quốc gia trong lịch trình công du Mỹ Latinh lần này của ông Lý Khắc Cường chiếm tới 57% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Mỹ Latinh. Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với hai nền kinh tế hàng đầu Mỹ Latinh là Brazil và Mexico tăng lần lượt 48% và 36% trong giai đoạn 2000-2013.

Đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cho biết các doanh nghiệp nước này có thể đầu tư 250 tỷ USD vào khu vực Mỹ Latinh trong một thập niên tới, và kim ngạch thương mại song phương có thể tăng lên tới 500 tỷ USD trong 10 năm tới.

Mỹ Latinh chiếm tới 13% trong 87,8 tỷ USD vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong năm 2012. Trung quốc và Mỹ Latinh đang tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, chế tạo...

Trước triển vọng tích cực trên, các nhà xuất khẩu ở Mỹ Latinh khi bán hàng sang Trung Quốc muốn thanh toán bằng nhân dân tệ trong phần lớn giao dịch thương mại, họ cần đầu tư nhân dân tệ phong phú và đa dạng như một công cụ bảo hiểm rủi ro để có thể quản lý thu nhập thương mại.

Còn các nhà nhập khẩu ở Mỹ Latinh có thể sử dụng nhân dân tệ nhiều hơn trong khâu thanh toán, nếu đồng tiền này có tỷ giá linh hoạt hơn.

Các nhà kinh tế cho rằng đồng nhân dân tệ muốn trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều trong dự trữ và thương mại tại Mỹ Latinh thì cần phải được thả nổi tự do như USD hoặc euro.

Tuy vậy, Trung Quốc sẽ thận trọng thực hiện điều này khi USD hiện vẫn là đồng tiền chủ chốt trong hoạt động thanh toán thương mại quốc tế tại Mỹ Latinh.

Trong khi đó, Trung Quốc mới đây đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ mang tên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

Theo dự kiến, IMF sẽ xem xét đề nghị này của Trung Quốc trong năm nay. Theo Standard Chartered, đồng nhân dân tệ có 60% cơ hội để được IMF đưa vào rổ tiền tệ SDR.

Tính đến tháng 3/2015, đồng nhân dân tệ lấy lại vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng mức độ phổ dụng của các đồng tiền trong thanh toán quốc tế của Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng thế giới (SWIFT).

Hiện trong rổ tiền Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF, đồng USD đang chiếm tỷ trọng cao nhất với 41,9%, tiếp theo là euro với 37,4%, bảng Anh 11,3% và yen 9,4%.

Về phần mình, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke cuối tháng Năm vừa qua cho rằng Trung Quốc cần tạo ra một thị trường lớn và luân chuyển để tránh các rủi ro tiền tệ, khi đưa nhân dân tệ thành đồng tiền chuyển đổi được.

Theo ông, đối với loại tiền tệ giao dịch quốc tế, yếu tố cần nhất chính là thị trường linh hoạt trong khi một thị trường tài chính mở tiềm ẩn nhiểu rủi ro và giảm giá tiền tệ có thể dẫn tới khủng hoảng,

Hiện Trung Quốc đang trong giai đoạn cuối cùng của quá trình mở cửa thị trường tài chính, cho phép nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, đồng thời giúp người dân đầu tư vào các tài sản ở nước ngoài.

Một luồng vốn tự do là rất cần thiết để các nhà hoạch định chính sách đạt được mục tiêu đưa nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ.

“Một mũi tên, nhiều đích”

Đồng nhân dân tệ là một trong những đồng tiền ổn định nhất trên thị trường tiền tệ toàn cầu, với biên độ dao động hàng ngày được kiểm soát. Đồng tiền này đã tăng giá lên 6,0406 nhân dân tệ/USD vào tháng 1/2014, so với mức 6,82 nhân dân tệ/USD hồi tháng 5/2010, nhưng sau đó đã giảm trở lại.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức 6,2747 nhân dân tệ/USD vào đầu năm 2015, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2012 và kể từ đó đã tăng 1%. Tuy vậy, trên cơ sở thương mại và điều chỉnh theo lạm phát, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng tỷ giá của nhân dân tệ/USD đã tăng 10% trong sáu tháng qua.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc quốc tế hóa nhân dân tệ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc. Một là các lợi ích trực tiếp về thương mại, khi nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế vừa giúp tăng cường ảnh hưởng thương mại của Trung Quốc với quốc tế, vừa mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các doanh nghiệp nước này.

Sau ba thập niên đầu tư phát triển, việc Trung Quốc duy trì đồng nội tệ yếu không còn phù hợp, khi chỉ có lợi cho xuất khẩu trong lúc tác động tiêu cực tới nhập khẩu và vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Còn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, sử dụng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế sẽ giảm thiểu rủi ro về tỷ giá hối đoái và nâng cao sức cạnh tranh của các tổ chức tài chính Trung Quốc trên thị trường.

Tuy vậy, điều quan trọng là việc quốc tế hóa nhân dân tệ sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào USD trong quan hệ kinh tế-thương mại với Mỹ. Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với dự trữ ngoại tệ khoảng 3.000 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng dự trữ ngoại tệ thế giới. Song với khả năng "xuất khẩu lạm phát" của Mỹ thì số tài sản này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Vì vậy, việc quốc tế hóa để đồng nhân dân tệ trở nên độc lập hơn là một cách để Trung Quốc giảm thiểu mối nguy này. Bên cạnh đó, theo Standard Chartered, nếu IMF đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự trữ trong năm nay, có thể khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra 6.200 tỷ nhân dân tệ (gần 1.000 tỷ USD) mua trái phiếu Trung Quốc từ nay đến năm 2020.

Cuối cùng, việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sẽ giúp Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng, trước tiên là với những nước có quan hệ kinh tế với Trung Quốc, và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Điều này được thể hiện qua việc Trung Quốc muốn đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch thành lập ngân hàng chung của BRICS và thông qua ngân hàng này thực hiện các khoản vay và hỗ trợ bằng nhân dân tệ cho các nước BRICS, Mỹ Latinh và châu Phi.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục