Mỹ: Nhầm súng thật là súng điện, một cảnh sát bắn chết người

Robert Bates, một cảnh sát dự bị hạt Tulsa, bang Oklahoma, Mỹ, bị buộc tội ngộ sát vì đã bắn chết một người da màu do nhầm súng thật với súng điện.
Mỹ: Nhầm súng thật là súng điện, một cảnh sát bắn chết người ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các công tố viên hạt Tulsa, bang Oklahoma, Mỹ, ngày 13/4 đã buộc tội ngộ sát đối với Robert Bates, một cảnh sát dự bị hạt này, vì đã bắn chết một người da màu do nhầm súng thật với súng điện.

Trong một thông cáo, Văn phòng công tố hạt Tulsa cho biết Bate bị kết tội ngộ sát cấp độ hai bao gồm "sự sơ xuất gây ra lỗi," mà theo luật của bang Oklahoma, được xác định là thiếu sự cẩn trọng cơ bản trong khi thực thi nhiệm vụ.

Trước đó, hôm 10/4, sở cảnh sát Tulsa đã công bố đoạn video ghi lại từ camera gắn trên người cảnh sát cho thấy trong lúc khống chế một nghi phạm buôn bán vũ khí trái phép, cảnh sát dự bị Bates đã bắn chết đối tượng này do nhầm lẫn súng quân dụng là súng điện.

Trong đoạn video ghi hôm 2/4 này, viên cảnh sát này tỏ ra kinh ngạc khi nghe thấy tiếng súng và ngay lập tức nói xin lỗi, tuy nhiên các đồng nghiệp của ông vẫn tiếp tục khống chế nghi phạm.

Người đàn ông da màu này sau đó đã tử vong tại bệnh viện.

Robert Bates, 73 tuổi, trở thành cảnh sát dự bị của sở cảnh sát Tulsa từ năm 2008 vì đã đóng góp hàng nghìn USD tiền mua vũ khí, trang bị, xe tuần tra cho sở cảnh sát này.

Theo chính sách của bang Oklahoma cũng như nhiều bang khác, những công dân đóng góp nhiều cho lực lượng cảnh sát có thể được đem theo vũ khí và tuần tra chung với cảnh sát chính quy.

Bang Oklahoma hiện có khoảng 4.000 cảnh sát dự bị.

Đoạn video trên được công bố gần một tuần sau khi một sỹ quan cảnh sát ở bang Nam Carolina bị sa thải và bị buộc tội giết người sau khi một nhân chứng công bố đoạn video cho thấy viên cảnh sát đã bắn 8 phát đạn vào một người đàn ông da màu đang chạy trốn khiến người này tử vong tại chỗ, sau đó dàn dựng thành một vụ tự vệ.

Các đoạn video một lần nữa thổi bùng lên sự phẫn nộ của người dân Mỹ sau hàng loạt vụ cảnh sát da trắng bắn chết các nghi phạm da màu và được miễn truy tố.

Điển hình trong số này là vụ thanh niên da màu Michael Brown bị bắn chết ở thị trấn Ferguson và người đàn ông da màu Eric Garner thiệt mạng do bị cảnh sát khống chế quá tay.

Nhiều cuộc biểu tình leo thang mạnh, châm ngòi cho một số hành động trả thù như vụ Ismaaiyl Brinsley, 28 tuổi, thành viên của một tổ chức xã hội đen ở Baltimore, bắn chết hai cảnh sát New York để trả thù cho công dân da màu Garner./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục