Mỹ tăng áp lực lên Trung Quốc bằng thương vụ bán vũ khí với Đài Loan

Giới quan sát cho rằng việc Mỹ bán số vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD cho Đài Loan là nhằm tăng cường áp lực lên Trung Quốc do chính quyền Bắc Kinh đang trì trệ trong vấn đề Triều Tiên.
Mỹ tăng áp lực lên Trung Quốc bằng thương vụ bán vũ khí với Đài Loan ảnh 1Xe tăng M1A1 Abrams của quân đội Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo SCMP, giới quan sát cho rằng việc Mỹ bán số vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD cho Đài Loan là nhằm tăng cường áp lực lên Trung Quốc do chính quyền Bắc Kinh đang trì trệ trong vấn đề Triều Tiên.

Động thái trên, diễn ra chỉ vài ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hai nước, được giới quan sát xem như một dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump sẵn sàng đi xa đến đâu để có thể buộc Trung Quốc nhượng bộ trong vấn đề Triều Tiên.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải​ cho rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và trừng phạt một số công ty Trung Quốc sẽ làm tổn hại đến sự tin tưởng chung giữa hai nước, đi ngược lại với tinh thần của hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra tại Florida hồi tháng 4.

Một số nhà phân tích nhận định Tổng thống Trump dường như đang dùng Đài Loan làm đòn bẩy để chống lại Bắc Kinh giữa những căng thẳng liên quan đến Triều Tiên.

[Trung Quốc chỉ trích thương vụ bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan]

Giám đốc viện SOAS Trung Quốc ở London (Anh), ông Steve Sang coi động thái trên là một lời cảnh báo rõ rệt của Washington rằng Bắc Kinh cần phải thực hiện những gì họ đã cam kết trong vấn đề Triều Tiên, đổi lấy sự nới lỏng sức ép trên phương diện kinh tế cũng như vấn đề Đài Loan.

Trong khi đó, theo chuyên gia công nghiệp quốc phòng Alessandro Bruno thuộc công ty tham vấn Lombardi, đây là một chiến lược gây sức ép của ông Trump, giúp Tổng thống Mỹ buộc Trung Quốc có một số sự nhượng bộ trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 sắp diễn ra tại Hamburg (Đức).

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định động thái trên của Mỹ không làm ảnh hưởng tới chính sách "một Trung Quốc", vốn được Bắc Kinh coi là nền tảng trong các mối quan hệ song phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục