Mỹ: Thị trường việc làm phục hồi có thể khiến Fed tăng lãi suất

Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất đang gia tăng khi các dự báo xung quanh báo cáo việc làm tháng Tám cho thấy các con số khả quan.
Mỹ: Thị trường việc làm phục hồi có thể khiến Fed tăng lãi suất ảnh 1Kinh tế Mỹ giúp đồng USD vững giá so với đồng yen Nhật Bản. (Nguồn: analystratingreports)

Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất đang gia tăng khi các dự báo xung quanh báo cáo việc làm tháng Tám, sẽ được công bố trong ngày 4/9, cho thấy các điều kiện về việc làm cho quyết định tăng lãi suất gần như đã được đáp ứng.

Các nhà phân tích dự báo số việc làm tại Mỹ trong tháng Tám sẽ tăng mạnh ở mức 220.000, so với con số 215.000 của tháng Bảy. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng được cho là sẽ giảm nhẹ từ 5,3% trong tháng Bảy xuống 5,2% trong tháng Tám, mức mà Fed xem là biểu thị cho một nền kinh tế trong thể trạng tốt.

Bởi sự phục hồi mạnh của thị trường việc làm là một trong những điều kiện cuối cùng cho quyết định của Fed, số việc làm tăng ổn định và tỷ lệ thất nghiệp giảm sẽ tăng khả năng Fed nâng lãi suất.

Nhiều nhà kinh tế từ lâu đã dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng Chín, nhưng biến động trên các thị trường chứng khoán toàn cầu, lạm phát tại Mỹ vẫn dưới mức mục tiêu và tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã khiến khả năng này chưa có gì chắc chắn.

Tuy nhiên, sau ba năm tăng trưởng việc làm ổn định, đưa gần 8 triệu người Mỹ trở lại làm việc, các quan chức Fed có thể hài lòng với những tiến triển của thị trường việc làm.

Theo báo cáo ngày 3/9 của Bộ Lao động Mỹ, số người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 29/8 tăng thêm 12.000, lên 282.000 đơn và mức trung bình bốn tuần tăng 3.250, lên 275.000 đơn, đánh dấu tuần thứ 23 liên tiếp con số này ở dưới ngưỡng 300.000, con số thường được gắn với một thị trường phục hồi mạnh.

Số liệu khác cũng cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế số một thế giới trong bối cảnh xuất hiện những quan ngại về tình trạng sụt giảm tăng trưởng toàn cầu là thâm hụt thương mại trong tháng Bảy vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng năm tháng nhờ xuất khẩu khởi sắc.

Theo báo cáo công bố của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 3/9, thâm hụt thương mại của nước này giảm 7,4% so với tháng Sáu, xuống còn 41,9 tỷ USD trong tháng Bảy, thấp nhất kể từ tháng 2/2015.

Thâm hụt thương mại giảm đã góp phần làm tăng GDP trong đầu quý 3. Thương mại đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào nhịp độ tăng trưởng kinh tế 3,7% của nền kinh tế Mỹ trong quý 2.

Các số liệu thống kê từ chi tiêu tiêu dùng cho tới nhà đất cho thấy nền kinh tế số một thế giới đã lấy lại đà tăng trưởng từ quý 2 và vững vàng trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu bị chao đảo bởi tình trạng bất ổn bắt nguồn từ những quan ngại liên quan tới nền kinh tế Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh bất ngờ phá giá sâu đồng nhân dân tệ của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục