Mỹ tiến hành chiến tranh mạng chặn kế hoạch truyền thông của IS

Quân đội Mỹ hiện nay đang tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với mục tiêu chặn đứng các kế hoạch truyền thông của IS.
Mỹ tiến hành chiến tranh mạng chặn kế hoạch truyền thông của IS ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: cnbc.com)

Bên cạnh các cuộc không kích trên thực địa, quân đội Mỹ hiện nay đang tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với mục tiêu chặn đứng các kế hoạch truyền thông của IS cũng như lợi dụng phương tiện liên lạc của IS.

Phát biểu với báo giới ngày 26/4, Thiếu tướng Peter Gersten cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu sử dụng các sức mạnh công nghệ mạng trong cuộc chiến với IS.

Tuy không đi vào chi tiết, ông Gersten cho biết các nỗ lực đang được tiến hành với sự hợp tác cao độ, và đang có hiệu quả.

Hiện một đội gồm 65 chuyên gia thuộc Bộ Tư lệnh an ninh mạng đang hoạt động tại Trung Đông chịu trách nhiệm về chiến dịch tấn công này.

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh an ninh mạng cũng như Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Michael Rogers từ chối cung cấp thêm chi tiết về các chiến dịch tấn công trên.

Hôm 24/4 vừa qua, tờ New York Times công bố một báo báo cho biết Bộ Tư lệnh an ninh mạng Mỹ đã cài phần mềm theo dõi vào mạng lưới của IS, cho phép các chuyên gia có thể giám sát và mô phỏng các hoạt động mạng của tổ chức này, thậm chí thay đổi các tin nhắn từ các thủ lĩnh của IS, nhằm "bẫy" các tay súng IS đến các khu vực Mỹ tiến hành không kích.

Việc sử dụng các công nghệ mạng ngăn chặn IS vốn đã được giới chức Mỹ nhắc đến từ trước.

Hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Joe Dunford cho biết Mỹ đã quyết định đẩy mạnh cuộc chiến chống IS đồng thời ám chỉ chiến tranh mạng sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc chiến với tổ chức này.

Hồi đầu tháng, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work cũng cho biết quân đội nước này đang "thả bom mạng" xuống hệ thống của IS.

Bộ Tư lệnh an ninh mạng Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ các hệ thống mạng quân đội và một số hệ thống mạng dân sự khỏi các vụ tấn công, cũng như tiến hành các chiến dịch tấn công mạng riêng nếu cần thiết.

Theo kế hoạch, đến năm 2018, cơ quan này sẽ có khoảng 6.000 chuyên gia công nghệ dân sự cũng như quân sự chia thành 133 đội hoạt động.

Những chiến dịch tuyên truyền qua mạng Internet của tổ chức IS đang là thách thức lớn đối với các cơ quan an ninh, tình báo Mỹ.

Theo nhà phân tích Viện Brookings, J.M. Berger, IS có một lực lượng ủng hộ đông đảo trên mạng Internet, những thông điệp của chúng có thể được lan truyền nhờ 2.000 người ủng hộ, những tài khoản đăng tới 150 bình luận trên Twitter mỗi ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục