Mỹ tổng kết các thành tựu đối ngoại nổi bật trong năm 2015

Ngày 29/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có bài viết đăng trên tờ Boston Globe, điểm lại những thành tựu đối ngoại của Mỹ trong năm 2015.
Mỹ tổng kết các thành tựu đối ngoại nổi bật trong năm 2015 ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về Syria ở New York ngày 18/12. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 29/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có bài viết đăng trên tờ Boston Globe, điểm lại những thành tựu đối ngoại của Mỹ trong năm 2015.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, nội dung bài viết nhấn mạnh 7 thành tựu đối ngoại nổi bật của Mỹ trong năm qua, đó là đạt được thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu, ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba, kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngăn chặn đại dịch Ebola, thúc đẩy dân chủ và chống khủng bố.

Ngoại trưởng Kerry cho rằng thành tựu nổi bật nhất của Mỹ là thúc đẩy tiến trình đàm phán nhằm gạt bỏ bất đồng giữa nhóm nước phát triển và đang phát triển, qua đó đạt được thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Mỹ và Trung Quốc đã tìm được tiếng nói chung trong vấn đề phát triển năng lượng sạch, tạo động lực cho Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp).

Ông Kerry nhấn mạnh thỏa thuận tại Paris không những đặt ra các tiêu chí mà còn tạo một khuôn khổ cho các nước thực hiện.

Về vấn đề hạt nhân Iran, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng việc đạt được Kế hoạch Hành động Toàn diện chung giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã giúp ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo thỏa thuận lịch sử này, Iran đã bắt đầu tháo dỡ một số cơ sở hạt nhân, chuyển phần lớn lượng urani đã được làm giàu ra khỏi nước này.

Tuy nhiên, ông Kerry cũng cho rằng Mỹ và các bên cần tiếp tục giám sát việc thực hiện thỏa thuận để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn nguy cơ Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Kerry bày tỏ vui mừng khi đến La Habana vào tháng 8 vừa qua để thượng quốc kỳ Mỹ tại Đại sứ quán nước này, đánh dấu việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba sau 54 năm băng giá.

Điều này phản ánh lợi ích của cả hai nước và mong muốn của chính quyền hai bên trong việc cải thiện cuộc sống của người dân Cuba.

Về tiến trình đàm phán TPP kéo dài suốt 7 năm qua, Ngoại trưởng Mỹ đánh giá đây là một hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao, có thể thúc đẩy tạo việc làm và tăng cường các tiêu chuẩn về môi trường giữa các nền kinh tế thành viên hiện chiếm 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

TPP sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng của Mỹ thông qua hạ thấp hoặc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, tạo ra "sân chơi thương mại" cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhắc đến nỗi ám ảnh của thế giới đối với mối đe dọa virus Ebola một năm trước gây tử vong khoảng 1 triệu người.

Mỹ đã hợp tác với cộng đồng quốc tế, nhất là với các nước đối tác ở Tây Phi để thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, cứu sống hàng trăm nghìn người.

Tại Liên hợp quốc, Mỹ đã cùng các nước thành viên khác nhất trí Chương trình nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030 nhằm đặt ra các mục tiêu toàn cầu quan trọng về dinh dưỡng trẻ em, bình đẳng giới, giáo dục, chống đói nghèo và sức khỏe.

Ngoại trưởng Mỹ nhận định Syria là "điểm nóng," thách thức lớn nhất với Mỹ trong năm qua. Để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và ngăn chặn bạo lực cực đoan ở quốc gia Trung Đông này, Mỹ đang triển khai chiến lược 3 trọng tâm gồm xây dựng một liên minh 65 nước nhằm đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng; thúc đẩy hợp tác với các đối tác để ngăn chặn bạo lực cũng như giải quyết vấn đề người tị nạn ở Trung Đông; tiếp tục đổi mới các sáng kiến ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột leo thang ở Syria, thúc đẩy chuyển giao chính trị và cô lập các nhóm khủng bố ở nước này.

Ông Kerry nhấn mạnh nỗ lực ngoại giao của Mỹ đã lần đầu tiên đưa các nước có vai trò chủ chốt hợp tác trong vấn đề Syria, trong khi thiết lập một lộ trình đàm phán giữa Chính quyền Syria với các lực lượng đối lập.

Tuy nhiên, việc đạt được giải pháp chính trị cho vấn đề Syria vẫn gặp khó khăn do các bên liên quan vẫn chưa thống nhất về giải pháp tiêu diệt IS.

Tựu chung lại, Ngoại trưởng Kerry cho rằng tình hình thế giới năm qua tiếp tục có nhiều biến động, nhưng cộng đồng thế giới đã cho thấy sự hợp tác trong việc giải quyết các thách thức.

Mỹ cũng cam kết hợp tác với các nước thúc đẩy một chương trình nghị sự với các nỗ lực không mệt mỏi trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục