Mỹ ủng hộ thỏa thuận thanh sát cơ sở hạt nhân giữa IAEA và Iran

Sau khi có thông tin cho rằng IAEA đồng ý cho phép Iran sử dụng chính các chuyên gia của nước này để thanh sát một số cơ sở hạt nhân, Nhà Trắng ngay lập tức đã lên tiếng ủng hộ quyết định này.
Mỹ ủng hộ thỏa thuận thanh sát cơ sở hạt nhân giữa IAEA và Iran ảnh 1Các thanh sát viên IAEA thanh sát một cơ sở hạt nhân của Iran, năm 2014. (Nguồn: AFP)

Sau khi có thông tin cho rằng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đồng ý cho phép Iran sử dụng chính các chuyên gia của nước này để thanh sát một số cơ sở hạt nhân, Nhà Trắng ngay lập tức đã lên tiếng ủng hộ quyết định này.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 19/8, người phát ngôn Ủy ban An ninh quốc gia Ned Price nhận định thỏa thuận đáng tin cậy giữa IAEA và Iran chỉ liên quan đến việc điều tra các hoạt động hạt nhân của Iran từ trước tới nay, và nhấn mạnh văn kiện trên không nằm trong nội dung thỏa thuận toàn diện giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Trung Quốc và Nga) hồi tháng 7 vừa qua.

Tuyên bố nêu rõ Nhà Trắng đặt niềm tin vào các kế hoạch mang tính kỹ thuật của IAEA trong việc điều tra những cơ sở quân sự của Iran bị tình nghi dùng để phát triển vũ khí hạt nhân. Theo ông Price, IAEA đã xây dựng cơ chế thanh sát chặt chẽ nhất từ trước tới nay để đảm bảo chương trình hạt nhân của Iran hoàn toàn vì mục đích dân sự.

Trước đó, cùng ngày, hãng thông tấn AP của Mỹ đưa tin IAEA và Iran đã thương lượng và bí mật đạt được một thỏa thuận, theo đó chính các chuyên gia của Iran được phép tiến hành thanh sát các cơ sở hạt nhân, trong đó có Parchin - cơ sở hạt nhân bị nghi được sử dụng để tiến hành các thử nghiệm thủy động lực và thuốc nổ ở quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Thỏa thuận trên khác biệt so với các quy trình thanh sát thông thường giữa IAEA với một quốc gia thành viên. Thông thường, những nước bị tình nghi có khả năng phổ biển vũ khí hạt nhân như Iran phải bị giám sát chặt chẽ hơn, trong đó bao gồm cả hoạt động thánh sát nghiêm ngặt.

Về cơ bản, thỏa thuận này là nhường quyền thanh sát cho Iran, cho phép Tehran sử dụng chính các chuyên gia và thiết bị của mình để tìm kiếm bằng chứng về các hoạt động phát triển vũ khi hạt nhân mà nước này luôn phủ nhận.

Tuy nhận được sự ủng hộ từ chính quyền Tổng thống Barack Obama, thỏa thuận bất ngờ này đã dấy lên làn sóng chỉ trích trong giới lập pháp vốn phản đối thỏa thuận hạt nhân toàn diện Iran.

Ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng hòa tham gia tranh cử tổng thống, ông Jeb Bush, coi đây là "tấn hài kịch" và cho rằng quá trình thanh sát chương trình hạt nhân của các quốc gia bảo trợ khủng bố không thể chỉ dựa vào lòng tin. Chủ tịch Hạ viện Mỹ, nghị sỹ Cộng hòa John Boehner cho rằng văn kiện này thiếu tính xác thực và không đáng tin cậy./.

(TTXVN/Vietnam+)\

Tin cùng chuyên mục