Mỹ và Nhật Bản tiếp tục đàm phán Hiệp định TPP

Mỹ và Nhật Bản tiếp tục bàn thảo về các vấn đề gai góc là mức thuế đối với hàng nông sản và doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường ôtô Nhật.

Trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngày 27/3, các quan chức thương mại Mỹ và Nhật Bản tiếp tục bàn thảo về các vấn đề gai góc là mức thuế đối với hàng nông sản và doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường ôtô Nhật Bản.

 

Tham dự cuộc thương lượng diễn ra tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ở thủ đô Washington của Mỹ có Phó Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, ông Hiroshi Oe và quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ Wendy Cutler.

Trước đó hai ngày, trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở La Haye (Hà Lan), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhất trí thúc đẩy đàm phán TPP.

Nhật Bản và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất trong số 12 nước hiện tham gia đàm phán TPP. Tuy nhiên, hai nước này vẫn chưa đạt được đồng thuận về một vài lĩnh vực thương mại chính.

Mỹ muốn Nhật Bản hủy bỏ các mức thuế đối với thịt bò và thịt lợn, cũng như các loại ngũ cốc. Trong khi đó, Tokyo kiên quyết phản đối vì muốn bảo vệ các ngành sản xuất nội địa trước sự tấn công các của sản phẩm nước ngoài.

Đến nay, tiến trình đàm phán TPP đã kéo dài 3 năm và hiện có 12 nước tham gia (gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam), với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Các bên hy vọng một khi được ký kết, hiệp định này sẽ giúp xóa bỏ phần lớn các rào cản thương mại, đảm bảo quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ.

Với các mục tiêu trên, TPP được coi là hiệp định thương mại đa phương tham vọng nhất kể từ khi vòng đàm phán Doha về tự do thương mại toàn cầu vẫn chưa có tiến triển, cho phép đặt ra “tiêu chuẩn cao” trong việc loại bỏ thuế quan và rào cản phi thuế quan vốn là những nguyên nhân hạn chế tăng trưởng.

Đối với Mỹ, TPP sẽ giúp nước này tạo thêm nhiều việc làm và là một thành tố quan trọng trong chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục