Mỹ và Trung Quốc tranh giành ưu thế quân sự trên vũ trụ

Nơi bình yên duy nhất còn lại là không gian vũ trụ cũng bắt đầu trở thành vũ đài tranh giành ưu thế quân sự giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc tranh giành ưu thế quân sự trên vũ trụ ảnh 1 Tên lửa Trường Chinh 3A được phóng vào quỹ đạo. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hầu như mọi vùng đất đã và đang chứng kiến các cuộc chiến. Theo báo chí Nhật Bản, thậm chí nơi bình yên duy nhất còn lại là không gian vũ trụ cũng bắt đầu trở thành vũ đài tranh giành ưu thế quân sự giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ là siêu cường trong lĩnh vực không gian vũ trụ với nắm đấm thép là Quân đoàn không quân vũ trụ hiện đại, tinh nhuệ với trên 40.000 binh sỹ, nhân viên.

Điều hành hệ thống vệ tinh quân sự và hệ thống radar mặt đất, lực lượng này có nhiệm vụ giám sát các vệ tinh và vật thể trong vũ trụ cũng như theo dõi hành trình bay của mọi loại tên lửa trong không gian.

Biện minh cho việc đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển công nghệ vũ trụ, người Mỹ cho rằng nước này không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh trong vũ trụ, nhưng vẫn phải chuẩn bị cho một cuộc chiến như vậy.

Tư tưởng chuẩn bị cho cuộc chiến vũ trụ của quân đội Mỹ lên đến cao trào sau sự kiện tháng 5/2013. Thời điểm đó, theo Bộ Quốc phòng Mỹ, quân đội Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm vũ khí tấn công vệ tinh.

Tên lửa của Trung Quốc đã bay tới gần quỹ đạo tĩnh xa nhất (gần 36.000 km) để phá hủy vệ tinh. Đây là thử nghiệm thành công đầu tiên được biết đến.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã thành công trong thử nghiệm bắn hạ tên lửa ở độ cao hàng trăm km vào năm 2007.

Nếu thông tin của phía Mỹ chính xác, thì có nghĩa là Bắc Kinh đã nâng cao được năng lực rất đáng kể, trên thực tế đã phát triển thành công tên lửa có thể bắn hạ vệ tinh ở bất kỳ quỹ đạo nào.

Gần đây nhất, vào tháng 7/2014, người Trung Quốc lại tiến hành thí nghiệm bắn tên lửa dưới danh nghĩa thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, sau khi phân tích tất cả các dữ liệu, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định đó chính là một vụ thử bắn hạ vệ tinh.

Sự cảnh giác và lo ngại của Washington là có lý khi mà hệ thống vệ tinh chính là trung tâm đầu não của người khổng lồ Mỹ.

Hầu hết hoạt động tác chiến của Mỹ đều dựa vào hệ thống vệ tinh. Thông tin, điều khiển máy bay không người lái, điều khiển máy bay chiến đấu, giám sát mặt đất, dẫn đường tên lửa... đều phụ thuộc vào vệ tinh. Nếu vệ tinh bị phá hủy, quân đội Mỹ sẽ bị tê liệt.

Vệ tinh quân đội Mỹ đang sử dụng có 3 loại chính: vệ tinh trinh sát quỹ đạo thấp khoảng vài trăm km, hệ thống định vị toàn cầu ở quỹ đạo khoảng 20.000km và vệ tinh thông tin ở cự ly 36.000km.

Các vệ tinh trinh sát phát hiện và cảnh báo sớm về sự xuất hiện của tên lửa đang bay cũng ở cự ly 36.000km.

Theo các nhà phân tích, để có thể đối phó với một nước Mỹ có sức mạnh áp đảo, người Trung Quốc bắt đầu tính tới khả năng tấn công vào hệ thần kinh trung ương của Mỹ, đó là hệ thống vệ tinh. Có thông tin cho rằng người Trung Quốc cũng đang phát triển vũ khí laser nhằm phá hủy vệ tinh.

Theo các chuyên gia an ninh của Mỹ, không chỉ riêng Trung Quốc, mà các nước như Nga, Triều Tiên, Iran cũng đang phát triển những vũ khí phá hủy vệ tinh như công nghệ sử dụng sóng điện gây hại...

Để đối phó với tình trạng này, người Mỹ đang phải đầu tư để phát triển những thiết bị quân sự tối tân hơn. Việc mở rộng cạnh tranh quân bị trong vũ trụ đã đẩy cao mức độ nguy hiểm của một cuộc chiến tranh.

Một cựu sỹ quan cao cấp của Mỹ đã từng đe dọa nếu hệ thống vệ tinh của Mỹ bị phá hủy, để tự bảo vệ mình, nước này sẽ tiến hành phản kích quy mô lớn. Và cuộc chiến sẽ chỉ đi theo chiều leo thang.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Nga đều ngầm tuân thủ luật chơi không tấn công vệ tinh của nhau. Tại các cuộc đối thoại chiến lược, kinh tế Mỹ-Trung hàng năm, Washington đều cảnh báo Bắc Kinh rằng tấn công vệ tinh là hành động vô cùng nguy hiểm.

Người Mỹ, ngoài răn đe Trung Quốc, cũng phải chuẩn bị các phương án đối phó. Một trong số đó là Washington đang chèo kéo các đồng minh như Anh, Autralia, Canađa hợp tác tác chiến vũ trụ.

Washington cũng đang lôi kéo Nhật Bản vào thỏa thuận chia sẻ thông tin từ hệ thống vệ tinh, mặc dù cho tới nay Tokyo phụ thuộc vào các thông tin tình báo thu được từ vệ tinh của Mỹ.

Lý do là chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ sớm xây dựng một mạng lưới vệ tinh và hệ thống giám sát vũ trụ của riêng mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục