Myanmar là cầu nối để “hướng Đông” của Ấn Độ

Myanmar được coi như một “cửa ngõ” trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ và là cầu nối để nước này mở rộng quan hệ với ASEAN.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vừa kết thúc chuyến thăm lịch sử tới Myanmar - chuyến thăm đầu tiên của một vị Thủ tướng Ấn Độ tới quốc gia láng giềng Đông Nam Á này trong suốt 25 năm qua.

Kết quả chuyến thăm đã được thể hiện rõ trong tuyên bố chung giữa Thủ tướng Manmohan Singh và Tổng thống nước chủ nhà U Thein Sein, cùng với 12 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Tuyên bố chung mô tả cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong bầu không khí nồng ấm, chân thành và xây dựng; đồng thời nêu bật tiềm năng của các mối quan hệ chặt chẽ trong tương lai. Các thỏa thuận được ký nhân chuyến thăm của Thủ tướng Singh bao gồm nhiều lĩnh vực, từ vấn đề bảo đảm an ninh, phát triển khu vực giáp giới hai nước, hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, đến hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học và giữa các học viện nghiên cứu quốc phòng.

Ấn Độ cũng cam kết cung cấp khoản tín dụng 500 triệu USD để giúp nước láng giềng thực hiện các dự án phát triển. Ấn Độ và Myanmar dự kiến sẽ tăng gấp đôi kim ngạch thương mại trong vòng ba năm.

Thủ tướng Singh cũng gặp Thủ lĩnh Liên minh quốc gia vì dân chủ Myanmar Aung San Suu Kyi tại Yangon khi bà tới chào xã giao. Trong cuộc gặp, ông Singh đã chuyển thư của bà Sonia Gandhi, Chủ tịch Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA), mời bà San Suu Kyi sớm sang thăm Ấn Độ.

Báo chí Ấn Độ đánh giá cao chuyến thăm của Thủ tướng Singh và gọi đây là “chuyến thăm lịch sử” bởi ông đã chọn thời điểm thích hợp để vạch ra lộ trình hợp tác với nước láng giềng vốn có quan hệ hữu nghị truyền thống này. Myanmar được coi như một “cửa ngõ” trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ và là cầu nối để nước này mở rộng quan hệ với các nước khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong khi đó, Myanmar cũng muốn thông qua chuyến thăm này để tái khẳng định chính sách cải cách và hy vọng việc thúc đẩy quan hệ với một nước lớn trong khu vực sẽ giúp Naypyidaw gia tăng vị thế. Chính phủ Myanmar cũng mong muốn tìm kiếm sự giúp đỡ phát triển từ Ấn Độ để theo kịp các nước láng giềng.

Báo The Indian Express cho rằng trong khoảng một thập niên qua, chính sách Myanmar của Ấn Độ được thúc đẩy chủ yếu dựa trên những cân nhắc về an ninh và kinh tế. Mặc dù chưa khai thác hết tiềm năng, song sự hợp tác này đã góp phần nâng quan hệ song phương lên một mức cao hơn. Ấn Độ đang mong muốn tăng cường vai trò và sự hiện diện tại Đông Nam Á và xa hơn nữa. Chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Singh được coi là một phần nỗ lực để thực hiện mục tiêu này.

New Dehli muốn thông qua chuyến thăm của ông Singh để tái khẳng định sự sẵn sàng của Ấn Độ trong việc tăng cường quan hệ với Myanmar và hy vọng Myanmar vừa là “cầu nối, vừa là cửa ngõ” để Ấn Độ thực hiện chính sách “hướng Đông.”

Báo The Times of India cũng nhận định rằng Ấn Độ coi sự kết nối qua Myanmar có tầm quan trọng đối với chính sách "hướng Đông" và trong phát triển quan hệ với các nước ASEAN.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo cấp cao đã đồng ý triển khai các dự án cơ sở hạ tầng một cách sớm nhất cho các điểm kết nối giao thông trên bộ và trên không. Hiện mỗi tuần có ba chuyến bay giữa thành phố Kolkota (Ấn Độ) và Yangon (Myanmar) và trong tương lai, các tuyến bay nối liền hai nước sẽ tăng lên, tạo sự hấp dẫn hơn với các hãng hàng không, đồng thời tạo điều kiện cho họ kết nối chuyến bay tới Myanmar với các địa điểm khác tại Đông Nam Á.

Ngoài ra, hai bên cũng đang cân nhắc việc xây dựng các tuyến đường sắt kết nối và đã nhất trí thành lập một ủy ban chung để thăm dò khả năng triển khai các dự án vận tải bằng đường sắt từ Ấn Độ qua Myanmar tới khu vực Đông Nam Á. Về một tuyến kết nối giao thông đường bộ quan trọng khác, hai bên đang nghiên cứu xây dựng tuyến cao tốc nối Moreh thuộc Manipur (Ấn Độ) với Mae Sot (Thái Lan) đi qua Myanmar.

Các quan chức Ấn Độ tin rằng các dự án trên sẽ thực sự trở thành cầu nối giữa Ấn Độ với các nước ASEAN và nằm ở trọng tâm chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ bởi Myanmar là quốc gia duy nhất trong ASEAN có chung biên giới với Ấn Độ./.

Minh Lý (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục