Mỹ-Trung nhất trí một thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm nhằm trao đổi quan điểm về Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Mỹ-Trung nhất trí một thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: huffingtonpost.com)

Ngày 11/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm nhằm trao đổi quan điểm về Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đang diễn ra ở Pháp.

Hai bên cũng thảo luận quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế quan trọng khác mà hai bên cùng quan tâm.

Trong cuộc điện đàm, ông Tập Cận Bình nhắc lại rằng tại cuộc gặp với ông Obama ở Paris tháng trước, hai nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận mới sau khi trao đổi sâu rộng quan điểm về quan hệ Trung-Mỹ và các vấn đề cùng quan tâm.

Theo ông Tập Cận Bình, trong bối cảnh mối quan hệ Trung-Mỹ có những cơ hội phát triển cũng như tồn tại một số thách thức khi sắp bước sang năm mới, hai nước cần thỏa mãn các lợi ích chung để duy trì sự phát triển lâu dài, lành mạnh và ổn định quan hệ song phương.

Chủ tịch Trung Quốc cũng nói rằng trong lúc các cuộc đàm phán tại Hội nghị COP21 đang dần khép lại, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường phối hợp cũng như hợp tác với tất cả các bên để đảm bảo hội nghị sẽ đạt một thỏa thuận theo đúng kế hoạch, vì lợi ích của cộng đồng quốc tế.

Về phần mình, Tổng thống Obama cho rằng việc hai bên thường xuyên hợp tác trong các vấn đề lớn của quốc tế và khu vực có vai trò quan trọng và tích cực đối với sự phát triển quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

Trong khi các bên tại Hội nghị COP21 đang tập trung thảo luận nhằm đạt một thỏa thuận tích cực và có tính ràng buộc mạnh mẽ, ông Obama nhấn mạnh phía Mỹ sẵn sàng duy trì hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc ra đời một thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.

Theo một số nguồn tin từ Hội nghị COP21, phái đoàn từ 196 nước vẫn đang chạy nước rút để đạt được một thỏa thuận cuối cùng trước khi công bố vào sáng 12/12 (theo giờ Pháp), tức là chậm hơn so với thời gian dự kiến ban đầu là một ngày. Tuy nhiên, cho đến lúc này, các rào cản về tài chính và mục tiêu vẫn còn khoảng cách rất lớn.

Tổng thống Pháp Francois Hollande gọi những giờ phút cuối cùng này là "thời điểm quyết định."

Còn Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius vẫn khẳng định "chưa có gì được nhất trí cho tới khi mọi việc được đồng thuận"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục