Na Uy vượt mặt Nga về cung cấp khí đốt cho khu vực Tây Âu

Trong quý 1/2015, nhà vận hành khí đốt Na Uy Gassco đã xuất khẩu sang Tây Âu 29,2 tỷ m3 khí đốt, nhiều hơn gần 9 tỷ m3 so với tập đoàn khí đốt Nga Gazprom.
Na Uy vượt mặt Nga về cung cấp khí đốt cho khu vực Tây Âu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Lần đầu tiên kể từ năm 2012, Na Uy đã vượt Nga trong việc cung cấp khi đốt cho Tây Âu trong quý 1/2015.

Theo báo The Local ngày 23/5, cho biết trong quý 1/2015, Gassco - nhà vận hành khí đốt Na Uy đã xuất khẩu sang Tây Âu 29,2 tỷ m3 khí đốt, nhiều hơn gần 9 tỷ m3 so với mức 20,29 tỷ m3 của tập đoàn độc quyền khí đốt Nga Gazprom.

Lượng khí đốt Gazprom cung cấp cho châu Âu giảm sút được giải thích là ý định đa dạng nguồn cung của các nhà tiêu thụ Tây Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine, quốc gia trung chuyển chính khí đốt Nga sang Tây Âu.

Ngoài ra, nguyên nhân khác là một số khách hàng châu Âu của Gazprom ngừng mua vì dự đoán giá loại nhiên liệu xanh này sẽ rẻ hơn. Do giá ký hợp đồng mua khí đốt Nga gắn với giá dầu, có độ trễ từ 6-9 tháng, việc giá dầu giảm mạnh cuối năm ngoái sẽ chỉ tác động vào khoảng quý 2/2015.

Năm 2014, Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Liên minh châu Âu (EU). Theo Ủy ban châu Âu (EC), khí đốt Nga chiếm 42% lượng khí đốt EU nhập khẩu. Tuy nhiên tỷ lệ của Na Uy trong năm 2014 đã tăng từ 34% lên 38%.

Tổng cộng trong năm ngoái, Gazprom đã cung cấp cho các quốc gia Tây Âu 117,92 tỷ m3 khí đốt, giảm 3,7% so với năm trước đó. Trong khi đó, lượng khí đốt Nga cung cấp cho Trung Âu giảm sút và lượng xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên.

Trước đó, Na Uy từng vượt Nga về cung cấp khí đốt cho châu Âu vào cuối năm 2012. Theo BP Statistical Yearbook năm 2013, tỷ trọng khí đốt Na Uy năm 2012 là 35% tổng lượng khí đốt châu Âu nhập khẩu, trong khi đó tỷ trọng khí đốt Nga là 34%.

Năm 2013, Gazprom lấy lại danh hiệu nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu thông qua một loạt động thái giảm giá cho khách hàng.

Ngày 22/5, tại Hội nghị Thượng đỉnh "Đối tác phương Đông" diễn ra ở Riga, các nước tham dự đã ủng hộ việc hình thành Hành lang khí đốt phía Nam, kết nối EU với khu vực biển Caspi, không qua Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục