Năm 2015, kinh tế Singapore liệu có rơi vào tình trạng giảm phát?

Các cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo rằng lạm phát năm 2015 của Singapore có thể sẽ còn thấp hơn so với dự kiến, nếu “giá dầu thế giới vẫn được duy trì ở mức thấp như hiện nay.”
Năm 2015, kinh tế Singapore liệu có rơi vào tình trạng giảm phát? ảnh 1Ảnh minh họa.

Trong một thông cáo báo chí chung được phát đi bởi Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) và Bộ Thương mại & Công nghiệp (MTI) ngày 23/1, lạm phát của Singapore trong năm 2014 đã giảm xuống còn 1%, so với mức 2,4% trong năm trước đó.

Con số thực tế này thấp hơn so với những dự đoán của các chuyên gia kinh tế cũng như mức kỳ vọng của người dân được khảo sát bởi trường Đại học Quản lý Singapore (SMU).

Đáng chú ý, tháng 12 đánh dấu là tháng thứ hai liên tiếp, Singapore chứng kiến tình trạng giảm phát, khi mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ghi nhận ở mức âm 0,2%, chỉ nhích hơn một chút so với mức lạm phát âm 0,3% của tháng 11. Nguyên nhân chủ yếu là do sự biến động của giá mua giấy phép lưu hành phương tiện giao thông (Certificate of Entitlement - COE).

Con số thống kê cụ thể cho thấy, chi phí vận tải trên các tuyến đường tư nhân đã giảm 5,7% trong tháng Mười hai, so với mức giảm 7% trong tháng Mười một do mức phí cơ bản đã giảm thấp vào cùng kỳ năm ngooái khi phí COE đã được điều chỉnh lại.

Mức phí cơ bản này có tác dụng làm giảm tác động của mức giảm sâu 11,2% của giá dầu, tiếp theo mức giảm 4,3% của tháng trước,” thông cáo báo chí nêu.

Giá nhà cho thuê cũng giảm 1,4%, so với mức giảm 1,2% của tháng trước đó do thị trường có dấu hiệu chững lại.

Riêng chỉ số dịch vụ đứng ở mức 1,4%, không thay đổi so với tháng trước, chủ yếu là do phí dịch vụ viễn thông tăng đã bù đắp được khoản giảm sút chi phí đi du lịch của người dân.

Chỉ số giá lương thực cũng giữ ở mức ổn dịnh 2,9% trong tháng Mười hai. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cho biết trong khi giá thực phẩm chưa chế biến được kiểm soát thì giá các thực phẩm chế biến lại có dấu hiệu tăng nhẹ trong thời gian tới.

Lạm phát lõi-không bao gồm những thay đổi về giá của vận tải đường bộ và nhà ở tư nhân-đã giảm 1,5% vào tháng Mười hai, tương tự như các tháng trước đó. Tính chung cả năm 2014, lạm phát lõi của Singapore nhích lên mức 1,9%, so với mức 1,7% của năm 2013.

Dựa trên những con số thống kê của năm 2014, cả MAS và MTI một lần nữa lại đưa ra cảnh báo rằng lạm phát năm 2015 của Singapore có thể sẽ còn thấp hơn so với dự kiến, nếu “giá dầu thế giới vẫn được duy trì ở mức thấp như hiện nay.” Theo dự báo chính thức, lạm phát năm 2015 sẽ ở mức từ 0,5-1,5% và lạm phát cơ bản (lạm phát lõi) sẽ ở mức từ 2-3%.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại có cái nhìn khả quan hơn và cho rằng chưa thấy xu hướng giảm phát tại Singapore đồng thời nhấn mạnh, đây chỉ là hình ảnh mà lạm phát được mô tả một cách chính xác hơn-đó là giá vẫn tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn so với trước đây.

Ông Irvin Seah, chuyên gia kinh tế từ Ngân hàng DBS, cho biết: Chưa thể nói đây là tình trạng giảm phát, bởi thị trường lao động vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ và sẽ tiếp tục có những áp lực về tiền lương. Điều này chỉ có nghĩa là tất cả đang được bù đắp bởi sự điều chỉnh COE và giá dầu giảm cũng như giá cho thuê nhà cũng trở nên thấp hơn.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Alvin Liew đến từ Ngân hàng UOB lại đưa ra nhận định: "Trong tương lai, chúng ta không thể phủ nhận là sẽ diễn ra giảm phát thêm một vài tháng. Tuy nhiên, lạm phát lõi sẽ vẫn tăng do sức ép lạm phát liên tục trong nước do thị trường lao động vẫn được thắt chặt, kết quả của việc giới hạn số lượng người nước ngoài đang làm việc tại Singapore và việc tăng các loại thuế”.   

Với dự báo lạm phát sẽ tiếp tục giảm nhẹ hơn so với dự kiến - Bank of America Merrill Lynch đã cắt giảm dự báo lạm phát năm 2015 từ 1,1% xuống còn 0,5% và lạm phát lõi từ 2% xuống còn 1,7%. Chuyên gia kinh tế học của Ngân hàng Credit Suisse Micheal Wan dự báo MAS sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách hối đoái trong tháng Tư năm 2015.

Trong khi các chuyên gia kinh tế tin rằng MAS đang nới lỏng chính sách tiền tệ, phần lớn các ngân hàng như ANZ, Bank of America Merill Lynch, DBS, City, HSBC, Mizuho và UOB lại mong đợi MAS sẽ duy trì quan điểm chính sách hiện nay trong việc tăng giá đồng đô la Singapore một cách “thận trọng và từ từ” trong thời gian sắp tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục