Năm 2015: Vẫn còn hơn 7.600 tỷ đồng tiền nợ các loại bảo hiểm

Đến cuối năm 2015, số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn trên 7.600 tỷ đồng, bằng 3,65% so với tổng phải thu và đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2014.
Năm 2015: Vẫn còn hơn 7.600 tỷ đồng tiền nợ các loại bảo hiểm ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đến cuối năm 2015, số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn trên 7.600 tỷ đồng. Trong năm 2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xử phạt hành chính hơn 470 doanh nghiệp, cá nhân và đề nghị truy thu, thu hồi 104 tỷ đồng.

Đây là thông tin đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 18/1, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết năm 2015, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 70,2 triệu người (tăng 4,46 triệu người so với năm 2014), tổng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt hơn 216.500 tỷ đồng (tăng hơn 18.800 tỷ đồng so với năm 2014). Số chi cho bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng tương đương với số tiền trên 202.000 tỷ đồng (tăng 12,2% so với năm 2014).

Đến cuối năm 2015, số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn trên 7.600 tỷ đồng, bằng 3,65% so với tổng phải thu và đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2014.

Theo ông Nguyễn Minh Thảo ngành đã thực hiện kiểm tra, kiểm toán và giải quyết đơn thư khiếu tại tố cao tại trên 19.200 đơn vị và kiến nghị xử phạt hành chính đối với 472 đơn vị, cá nhân, đề nghị truy thu, thu hồi 104 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phấn đấu trong năm 2016, tổng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hơn 235.000 tỷ đồng và tổng chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hơn 236.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên 7.000 tỷ đồng là một con số rất lớn. Số tiền này đủ chi cho cả bộ máy bảo hiểm xã hội, nên cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng nợ, trốn đóng các loại bảo hiểm.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quyền thanh tra, vì vậy cần phải tăng cường thanh tra, xử mạnh và công khai đối với các tổ chức, cá nhân trốn hoặc chậm đóng các loại bảo hiểm. Nếu chúng ta không quyết liệt thì rất khó xử lý dứt điểm việc này, và không xử lý được dứt điểm thì dễ sinh ra sự bất công cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng quyền lợi của người lao động."

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền để người dân tham gia các loại bảo hiểm nhiều hơn, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục