Năm 2017 - Sẵn sàng đưa báo chí tiếp tục phát triển vững chắc

Đồng hành cùng dân tộc và sự nghiệp cách mạng, nhiều năm qua, báo chí Việt Nam luôn làm tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, củng cố và tăng niềm tin của nhân dân.
Năm 2017 - Sẵn sàng đưa báo chí tiếp tục phát triển vững chắc ảnh 1Phóng viên tác nghiệp trên cầu dây. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Đồng hành cùng dân tộc và sự nghiệp cách mạng, nhiều năm qua, báo chí Việt Nam luôn làm tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, củng cố và tăng niềm tin của nhân dân.

Trong mỗi sự kiện trọng đại của đất nước, trong niềm vui và nỗi buồn của mỗi người dân đều có sự chia sẻ và an ủi, tiếp sức của báo chí.

Năm 2016 qua đi là một năm tràn đầy ăm ắp các thông tin đa dạng và nhiều chiều được phản ánh trên báo chí nước nhà.

Trong dòng chủ lưu của những thông tin chuẩn xác, kịp thời và hữu ích ấy, tiếc thay đôi lúc còn lẫn các hạt sạn.

Có lẽ vì thế năm 2016 cũng là một năm có nhiều nhất các quyết định xử phạt đối với các cơ quan báo chí được ban hành...

Nhìn rõ và đánh giá đúng thực trạng ấy, năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo báo chí sẽ tiếp tục có những bước tiến vững chắc, là phương tiện truyền thông quan trọng, sắc bén của Đảng, Nhà nước.

Luật báo chí đi vào cuộc sống với nhiều điểm mới

Luật Báo chí năm 2016 được ban hành tháng 4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, gồm 6 chương, 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí trước đó.

Đặc biệt, Luật Báo chí 2016 có nhiều điểm mới, đề cập đến quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

Trong đó, Luật quy định công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in…

Luật Báo chí 2016 đã bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học; quy định về liên kết trong báo chí với lĩnh vực, nội dung cụ thể, phù hợp; quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm...

Quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo cũng được bổ sung, luật hóa với những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp. Luật nêu rõ Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí được mở rộng hơn với các quy định về nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí.

Luật Báo chí nêu rõ những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, tương thích với quy định của các luật khác, đảm bảo tính khả thi, thực tế.

Về việc cải chính, xử lý vi phạm, Luật Báo chí năm 2016 đã bổ sung một số quy định mới như Báo điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi, gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát.

Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí vi phạm.

Đồng thời, Luật Báo chí 2016 quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí...; cụ thể hóa quy định tại các Nghị định của Chính phủ để đưa vào luật như​ chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí; hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định việc sửa đổi Luật Báo chí đã góp phần khắc phục những nội dung bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn của Luật Báo chí hiện hành.

Luật Báo chí 2016 tạo hành lang pháp lý quan trọng, với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí, công tác báo chí, mang tính thời đại, xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc và cụ thể cho việc phát triển báo chí giai đoạn tới...

Luật Báo chí mới cũng đã được phổ biến, quán triệt rộng rãi tới các đơn vị liên quan, cơ quan báo chí cùng đông đảo người làm báo cả nước.

Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam chính thức có hiệu lực

Cũng từ ngày 1/1/2017, Bộ Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam gồm 10 điều chính thức có hiệu lực. Bộ Quy định này được Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì sửa đổi, bổ sung phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật Báo chí 2016, đáp ứng tình hình mới của đời sống xã hội, thực tiễn đời sống báo chí.

Theo lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Quy định này này có giá trị dẫn dắt lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút và chắc chắn sẽ lan tỏa trong đời sống báo chí, tác động tích cực, trực tiếp đến đội ngũ những người làm báo cả nước.

Trên nền tảng luật pháp và đạo đức, những người làm báo Việt Nam cùng chung sức xây dựng một nền báo chí lành mạnh, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Năm 2016, báo chí đã tập trung thông tin, tuyên truyền về định hướng, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; thông tin toàn diện về công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; quan điểm, lập trường của Việt Nam và dư luận của thế giới đối với hành động của Trung Quốc trên Biển Đông; phản ánh kịp thời về nhiều sự kiện lớn, trọng đại của đất nước và các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc như Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021…

Thông qua thông tin báo chí, người dân cũng nắm được các vấn đề dân sinh, văn hóa, kinh tế, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, công tác đối nội, đối ngoại, giao lưu hội nhập quốc tế của đất nước.

Báo chí cũng làm tốt vai trò là kênh thông tin, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội; đồng thời phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

Chủ động ứng phó với thông tin sai trái

Trong xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học công nghệ, công dân toàn cầu cũng như người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận thông tin trong nước và thế giới đa dạng, nhanh chóng, đa chiều ở mọi lúc, mọi nơi.

Tuy nhiên, bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị, cũng xuất hiện không ít nội dung thông tin độc hại, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, thậm chí đi ngược lại với lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật Việt Nam...

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng những thông tin sai trái nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm tư, nguyện vọng của người dân; gây ra sự hoài nghi trong xã hội.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn các thông tin xấu trên môi trường ​Internet, nhất là trang mạng xã hội.

Bộ cũng khuyến cáo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin chính thống, phản bác các luận điệu xuyên tạc từ các nguồn thông tin sai sự thật.

Trong năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông rất mạnh tay, chủ động ứng phó với những luồng thông tin xấu, độc hại trên môi trường mạng.

Bộ tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ quan báo chí đưa tin, bài sai sự thật, xa rời tôn chỉ, mục đích, vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, gây bức xúc trong xã hội.

Đáng chú ý là việc xử phạt trên 50 cơ quan báo chí và xử lý các cá nhân liên quan đến thông tin sai sự thật về nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.

Bộ cũng phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời những thông tin sai sự thật, chống phá, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các cơ quan báo chí tăng cường giáo dục, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ phóng viên, biên tập viên; xây dựng đội ngũ phóng viên giỏi về công nghệ thông tin, bút pháp và có tâm trong sáng đủ khả năng đấu tranh trực diện trên mạng với những thông tin xấu, luận điệu xuyên tạc.

Các cơ quan chức năng trong Bộ khuyến cáo mỗi người dân tự trang bị kiến thức để thích nghi, lọc thông tin độc hại...

Năm 2017, công tác thông tin, truyền thông đã đặc biệt được coi trọng ngay từ đầu năm với việc Chỉ thị 01/CT- BTTTT về công tác thông tin, truyền thông năm 2017 được ban hành.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ quan báo chí, hoạt động thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại; tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2016-2020, tuyên truyền, nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch qua đó xây dựng lòng tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục