Năm học 2010-2011: Phải đổi mới để nâng chất!

Ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo chủ đề của năm học 2010-2011: Đổi mới để nâng chất lượng.
Tại buổi tổng kết năm học 2009-2010 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010-2011 tại Hà Nội, ngày 29/10, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết chủ đề của năm học 2010-2011 là “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Theo đó, ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm: tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới công tác tài chính giáo dục và phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương xây dựng và áp dụng mức học phí mới từ năm học 2010-2011 đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý thu, chi trong các cơ sở giáo dục.

Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, quy định bảo lưu phụ cấp cho nhà giáo được điều động về làm công tác quản lý giáo dục.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, mua sắm 487.162 bộ thiết bị tốt thiểu để thực hiện chương trình này đồng thời tập trung xây dựng quy hoạch đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2009-2010 đã có bước chuyển tích cực khi tỷ lệ học sinh bỏ học trong năm này giảm và số trường được công nhận đạt chuẩn tăng cao.

Tỷ lệ học sinh bỏ học trong năm học 2009-2010 đã giảm 0,05%. Còn số trường được công nhận đạt chuẩn là 387 trường mầm non, 213 trường tiểu học, 339 trường trung học cơ sở, 71 trường trung học phổ thông, góp phần nâng số lượng và tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở mỗi cấp học lên 2014 trường mầm non (15,8%); 5469 trường tiểu học (36,6%), 1.912 trường trung học cơ sở (17,7%), 272 trường trung học phổ thông (9,5%)./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục