Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Nhóm chứng khoán biến động giá mạnh nhất tuần trên sàn HoSE bất ngờ xuất hiện một cái tên trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là mã GAS, ở vị trí thứ 4 trong nhóm mất giá.
Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)

Nhóm chứng khoán biến động giá mạnh nhất tuần trên sàn HoSE bất ngờ xuất hiện một cái tên trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là mã GAS, ở vị trí thứ 4 trong nhóm mất giá.

Trong khi ấy, vị trí số 1 trong nhóm tăng giá mạnh nhất trên sàn tuần qua là mã NAV của Công ty cổ phần Nam Việt.

Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 21/8 cho thấy, trên sàn HoSE, NAV đã có 3 phiên tăng giá trong đó 2 phiên mã này tăng kịch biên độ.

NAV qua đó đã tăng giá từ 8.500 đồng/cổ phiếu lên 10.100 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ gần 19%. Như vậy, đây là tuần thứ 2 liên tiếp, mã này góp mặt trong nhóm tăng giá mạnh nhất sàn HoSE. Cách đây 1 tuần, NAV cũng từng đứng ở vị trí thứ 5 trong nhóm với mức tăng hơn 10%.

Thông tin gần đây nhất liên quan tới NAV là giải trình của phía công ty này với cơ quan chức năng với kết quả kinh doanh quý 2. Trong quý 2 năm nay, NAV có doanh thu là trên 57 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế là khoảng gần 3,9 tỷ đồng.

Con số này theo NAV đã tăng khoảng hơn 25% so với quý 2 năm ngoái. Nguyên nhân được phía NAV giải thích là do doanh thu trong quý 2 của đơn vị này đã tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, cũng trong quý 2, công ty đã nhượng bán bất động sản và thanh lý hàng tồn kho. Những khoản này theo NAV trước đó đã được trích lập quỹ dự phòng nên khi bán đã làm giảm chi phí quản lý của doanh nghiệp và giúp tăng lợi nhuận.

VSI, EMC, HRC và SCD là những mã đứng ở các vị trí còn lại trong top tăng giá mạnh sàn HoSE với tỷ lệ từ 8,91%-15,31%.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 2

Ở chiều ngược lại, sự chú ý đổ dồn về cái tên trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là GAS. Sự mất giá của GAS cũng là một phần nguyên nhân khiến thị trường liên tiếp đi xuống trong những phiên giao dịch tuần này.

Với GAS, mã này đã có tổng cộng 4 phiên lao dốc trong đó đặc biệt là phiên nện sàn vào ngày giao dịch 20/8. Điều này đẩy GAS từ 52.500 đồng/cổ phiếu cuối tuần trước xuống 42.900 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 21/8.

Kết quả kinh doanh được công bố gần đây nhất của GAS không tích cực như kết quả cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, GAS đạt gần 27.823,7 tỷ đồng doanh thu thuần và khoảng 5.277,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Những kết quả trên so với cuối tháng Sáu năm ngoái đều sụt giảm. Trước đó, trong 6 tháng năm 2014, doanh thu của GAS lên tới gần 30.342 tỷ đồng với mức lợi nhuận sau thuế là trên 6/238 tỷ đồng.

Mất giá nhiều nhất trên sàn HoSE tuần qua là mã HLG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Long.

HLG chính là mã đã làm mưa làm gió trong nhóm tăng giá mạnh nhất sàn HoSE liên tục trong những tuần cuối tháng Bảy và đầu tháng Tám.

Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch tuần này, HLG đã thể hiện "bộ mặt" hoàn toàn trái ngược với trọn vẹn 5 phiên nện sàn. Mã này qua đó đánh rơi tổng cộng 1.300 đồng/cổ phiếu.

Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2 HLG vừa công bố, doanh thu thuần của công ty đạt gần 368 tỷ đồng, giảm nhẹ so cùng kỳ năm trước trong khi giá vốn hàng bán tăng cao hơn và ở mức xấp xỉ 347 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của đơn vị này ghi nhận mức âm gần 30 tỷ đồng trong quý 2 và hơn 44,6 tỷ đồng trong 6 tháng.

Bên sàn HNX, nhóm tăng giá mạnh nhất sàn chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của mã VE9.

Từ vị trí mất giá nhiều nhất sàn tuần trước, mã VE9 của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VNECO9 đã có 1 tuần thăng hoa với 4 phiên tăng giá trong đó có 1 phiên tăng kịch trần. Tỷ lệ tăng giá được ghi nhận với VE9 sau 5 phiên giao dịch là gần 26%.

Như đã thông tin trước đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ VE9 chỉ đạt hơn 624 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với con số gần 3,8 tỷ đồng quý 2 năm trước.

Lợi nhuận của công ty mẹ sau 6 tháng bởi thế chỉ đạt gần 1,2 tỷ đồng. Con số này được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2014 là trên 4,8 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí thứ 2 là mã SDN của Công ty cổ phần Sơn Đồng Nai với tỷ lệ tăng giá gần 23%.

Tình hình kinh doanh của SDN trong báo cáo mới nhất cũng cho thấy những kết quả không mấy tích cực. Doanh thu thuần quý 2 của SDN được công ty báo cáo cơ quan chức năng là trên 36,2 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế qua đó đạt khoảng 2,27 tỷ đồng, giảm 16% so với quý 2 năm 2014. Giải thích cho tình trạng trên, SDN cho biết, chi phí bán hàng tăng do tổ chức hội nghị khách hàng tại Myanmar là một phần nguyên nhân. Trong khi ấy, chi phí tài chính cũng tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do tăng chiết khấu thanh toán.

TV3, VNC và TAG là các mã lần lượt đứng sau SDN với tỷ lệ tăng giá từ 17,9%-20,4%.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 3

Về những mã giảm giá, mã ACM của Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường với 5 phiên nện sàn tuần này phải chấp nhận là mã mất giá nhiều nhất tuần.

Về tình hình kinh doanh, báo cáo quý 2 của ACM với cơ quan chức năng đang cho thấy sự sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận sau thuế.

Đơn vị này trong quý 2 có doanh thu trên 65 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 102 tỷ đồng quý 2 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế trong quý của ACM được tính toán ở mức hơn 10,1 tỷ đồng, giảm so với mức lãi gần 11,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Liền sau ACM, mã mã KVC của Công ty cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ xếp ở vị trí thứ 2.

KVC đã trải qua 5 phiên giao dịch trọn vẹn lao dốc trong đó có 3 phiên giảm kịch biên độ. Mã này đã giảm tổng cộng 4.600 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 31,51%.

Đây là cái tên khá quen thuộc trong thời gian gần đây. KVC trong những tuần cuối tháng Bảy đã liên tục tăng nóng và thường xuyên xuất hiện trong top tăng giá mạnh trên sàn HNX. Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch tháng Tám, đây đã là lần thứ 2 KVC phải góp mặt trong nhóm các mã mất giá nhiều nhất.

Theo báo cáo của KVC với cơ quan chức năng, đơn vị này trong quý 2 có lợi nhuận đạt gần 6,7 tỷ đồng, tăng tới 146% so với quý 2 năm 2014.

Nguyên nhân mức tăng trên được phía KVC nhận định do đơn vị này đã đầu tư máy tăng sản lượng thép không gỉ cán nguội ra thị trường. Ngoài ra, hệ thống khách hàng đông đảo, giá bán hợp lý theo KVC cũng là nguyên nhân giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng như trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục