Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Cái tên khá "long đong" trong năm 2015 là mã JVC của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật tiếp tục xuất hiện trong nhóm giảm giá mạnh nhất sàn HoSE tuần này.
Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)

Quán quân nhóm tăng giá trên sàn HoSE là mã khá lạ trong những tháng gần đây: NAV của Công ty cổ phần Nam Việt. Trong khi ấy, cái tên khá "long đong" trong năm 2015 là mã JVC của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật tiếp tục xuất hiện trong nhóm giảm giá mạnh nhất sàn.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 15/1 cho thấy, trên sàn HoSE, mã NAV của Công ty cổ phần Nam Việt với tỷ lệ tăng giá hơn 17% là quán quân nhóm tăng giá.

Mở đầu tuần với 1 phiên giảm nhẹ, NAV sau đó bất ngờ có tới 3 phiên tăng giá trong đó có 2 phiên tăng kịch trần bất chấp việc toàn thị trường phần lớn chìm trong sắc đỏ. Sau 5 phiên giao dịch, NAV có thêm tổng cộng 1.400 đồng/cổ phiếu.

Thực tế, báo cáo quý 3 năm 2015 của NAV cho thấy nhiều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2014.

Trong giải trình với cơ quan chức năng, đại diện NAV cho biết, doanh thu quý 3 của đơn vị này giảm gần 33% so với quý 3 năm 2014. Lý do được đưa ra là thị trường xuất khẩu bị giảm sút.

Công ty chuyên sản xuất đồ nội thất khẳng định, sản phẩm của NAV chủ yếu là những đơn hàng mẫu cho mùa Noel và Tết nên năng suất thấp và giá vốn cao.

Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng gần 121% theo lãnh đạo NAV cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của đơn vị này bị ảnh hưởng. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của công ty trong quý chỉ đạt gần 428 triệu đồng, thấp hơn nhiều khoản lãi gần 1,3 tỷ đồng của quý 3 năm 2014.

Thông tin mới nhất liên quan tới NAV là việc tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt tỷ lệ 9% với thời gian thực hiện dự kiến là 25/1.

HTL, HU1, EMC và SVT là những mã còn lại trong nhóm tăng giá với tỷ lệ tăng trong khoảng 11-28%-16,67%.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 2

Ở phía ngược lại, mã JVC của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật là mã giảm giá nhiều nhất trong tuần.

JVC đã có một tuần ảm đạm khi lao dốc trong cả 5 phiên giao dịch trong đó 4 phiên nện sàn. Sau 5 phiên, JVC đã mất 1.200 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 25%.

Thông tin gần nhất liên quan tới JVC là việc Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản nhắc nhở đơn vị này chậm nộp báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2015 lần 3.

Theo đại diện cơ chức năng, thời gian hoàn thành và công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2015 chậm nhất là 29/11/2015 tuy nhiên tới ngày 12/1, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa nhận được báo cáo này.

Qua đó, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh nhắc nhở JVC lần 3 về việc chậm trễ này. Theo đại diện sở, từ đầu năm 2015 đến nay, công ty đã 9 lần vi phạm về vấn đề công bố thông tin và phía cơ quan chức năg đã đưa JVC vào diện cảnh báo theo quyết định ngày 21/12/2015.

"Trường hợp công ty vẫn tiếp tục vi phạm công bố thông tin, Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xem xét xử lý vi phạm của công ty ở mức độ cao hơn," văn bản gửi đại diện JVC nêu rõ.

Trước đó, trong năm 2015, JVC đã liên tiếp phải hứng chịu những tin tức không mấy tích cực mà đặc biệt là việc nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra. Làn sóng bán tháo đã xuất hiện và từng kéo giá cổ phiếu JVC liên tục chìm sâu.

Những mã còn lại trong nhóm giảm giá của sàn HoSE là: VLF, HNG, SSC và C32 với tỷ lệ giảm khoảng 12,93%-20%.

Bên sàn HNX, mã VCM của Công ty cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconex giữ ngôi vị quán quân nhóm tăng giá.

Với 3 phiên tăng kịch trần và 2 phiên đi ngang, tổng mức tăng của VCM là 4.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 32%, bỏ xa những vị trí còn lại trong nhóm tăng giá trên sàn.

Báo cáo quý 3 năm 2015 của VCM có sự thay đổi lớn so với cùng kỳ năm trước đó. Doanh thu của VCM tăng tới hơn 13 tỷ đồng, đạt mức trên 19 tỷ đồng (doanh thu quý 3 năm 2014 chỉ đạt hơn 5,8 tỷ đồng).

Bởi vậy, mặc dù giá vốn và chi phí quản lý trong quý của VCM tăng so với cùng kỳ năm trước đó nhưng lợi nhuận sau thuế của đơn vị này vẫn giữ ở mức cao, khoảng trên 2,7 tỷ đồng. Trước đó, mức lãi của quý 3 năm 2014 được ghi nhận chỉ là trên 427 triệu đồng.

Nguyên nhân tăng doanh thu theo đại diện VCM là trong quý 3 năm 2015, doanh thu hợp đồng thương mại và xuất khẩu lao động tăng đã giúp đơn vị có số thu cao hơn hẳn trước đó.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 3

Với nhóm giảm giá, mã PIV của Công ty cổ phần PIV là cái tên đứng đầu với tỷ lệ giảm gần 33%.

Ngoài 1 phiên tăng giá đầu tuần, PIV nện sàn liên tục trong 4 phiên còn lại của tuần và mất tổng cộng 5.000 đồng/cổ phiếu sau 1 tuần.

Thông tin gần đây liên quan tới PIV là thông báo của công ty trong ngành kiến trúc, tư vấn xây dựng chào bán 13,8 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời hạn đăng ký mua là từ ngày 3/2 đến ngày 8/3.

Dự kiến, nếu thực hiện thành công, tổng khối lượng vốn huy động được là 138 tỷ đồng sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư vào các doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoạt động./.

QHD, VIE, NHA và DP3 là những mã đứng sau PIV với mức giảm khoảng 16,2-18,86%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục