Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Sau thông tin bị hủy giao dịch, mã VLF không ngoài dự kiến là cái tên đầu tiên của nhóm mất giá trên sàn HoSE.
Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)

Sau thông tin bị hủy niêm yết, mã VLF không ngoài dự kiến là cái tên đầu tiên của nhóm mất giá trên sàn HoSE. Trong khi đó, trên sàn HNX, mã SDC của Công ty cổ phần Tư vấn Sông Đà là điểm hút mắt khi có tỷ lệ tăng giá bỏ xa nhóm còn lại.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 8/4 cho thấy, mã HLG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Long đứng đầu nhóm tăng giá.

HLG đã có một tuần trọn vẹn nhuộm sắc tím với tổng mức tăng là 1.700 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, cuối tháng Ba, HLG đã công bố kết quả kinh doanh sau kiểm toán với lợi nhuận sau thuế là gần 83,8 tỷ đồng. Tình hình này khá trái ngược so với năm 2014 khi cách đó 1 năm, HLG còn âm tới gần 30 tỷ đồng.

Nguyên nhân được đại diện HLG thừa nhận do doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm tăng 56% nên lợi nhuận gộp tăng đáng kể.

Ngoài ra, tổng doanh thu hoạt động tài chính của HLG trong năm qua tăng gần 103 tỷ đồng nhờ trong năm công ty tái cấu trúc doanh nghiệp: chuyển nhượng 2 công ty con và nhận chuyển nhượng 1 công ty con mới.

Một lý do khác được HLG nhận diện là việc tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Theo lãnh đạo công ty, hầu hết các khoản chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm đã góp phần làm lợi nhuận sau thuế của công ty tăng.

Cũng trong nhóm tăng giá, ATA, DTT, STT và TIE là những mã đứng sau HLG trong nhóm với mức tăng khoảng 22,54%-32,5%.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 2

Ở phía ngược lại, mất giá nhiều nhất sàn là mã VLF của Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Vĩnh Long.

Tuần này, VLF trượt dài trong 5 phiên nện sàn liên tục và rơi từ mức 1.600 đồng/cổ phiếu xuống 1.100 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ trên 31%.

Thông tin nóng nhất liên quan tới VLF là việc cổ phiếu này vừa bị hủy niêm yết do sản xuất kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tục.

Ngay trong tuần này, ngày 6/4, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo hủy niêm yết hơn 11,9 triệu cổ phiếu với tổng giá trị niêm yết bị hủy theo mệnh giá là hơn 119 tỷ đồng.

Theo thống kê, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2013 là âm 19,5 tỷ đồng, năm 2014 là âm 63,6 tỷ đồng và năm 2015 là âm 74 tỷ đồng.

Theo đại diện cơ quan chức năng, lợi nhuận chưa phân phối (lỗ lũy kế) tại ngày 31/12/2015 là âm 155 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp là 119,6 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012.

Theo đó, thời gian bị hủy niêm yết của cổ phiếu VLF là ngày 5/5 và ngày giao dịch cuối cùng tại HSX là 4/5.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 3

Bên sàn HNX, mã SDC của Công ty cổ Tư vấn Sông Đà là cái tên đứng đầu nhóm tăng giá với tỷ lệ tăng giá 43%.

Với 4 phiên liên tiếp leo dốc và chỉ 1 phiên đi ngang, SDC đã tăng từ 10.000 đồng cổ phiếu cuối tuần trước lên 14.300 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 8/4.

Báo cáo tài chính công ty mẹ công bố trước đó của SDC cho thấy sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2015.

Doanh thu của SDC trong năm 2015 chỉ đạt gần 82 tỷ đồng trong khi 1 năm trước đó, con số này lên tới hơn 101 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của SDC qua đó được tính toán là gần 3,7 tỷ đồng, thấp hơn mức lãi năm 2014.

Với nhóm mất giá, mã OCH của Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương là mã đứng đầu với tỷ lệ giảm gần 21%.

Tuần đầu tiên của tháng Tư với OCH khá buồn khi mã này chỉ có 1 phiên duy nhất tăng giá trong khi 4 phiên còn lại đều mất giá. Mức giá hiện tại của OCH chỉ là 5.700 đồng/cổ phiếu, giảm 1.500 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần trước.

Trước đó, lãnh đạo OCH đã phải giải trình với cơ quan chức năng vì báo cáo trước kiểm toán chênh lệch khá lớn với sau kiểm toán.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế trước kiểm toán của OCH cho thấy mức lãi 76,75 tỷ đồng trong khi sau kiểm toán chỉ là 20,26 tỷ đồng, giảm tới 73,6%.

Theo thống kê, doanh thu từ hoạt động tài chính đã giảm hơn 21 tỷ đồng so với số liệu trước kiểm toán trong khi chi phí tài chính lại tăng gần 40 tỷ đồng.

Các khoản thu nhập khác của OCH sau kiểm toán cũng đã giảm hơn 16 tỷ đồng so với trước kiểm toán, tương đương tỷ lệ hơn 81%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục